Với phương châm không ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo, Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường trực tiếp đi thanh tra an toàn thực phẩm bẩn.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tới đây, Hà Nội sẽ lập lực lượng phản ứng nhanh về an toàn thực phẩm cùng với các xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm tại chỗ. Mục đích nhằm đảm bảo công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đạt được hiệu quả cao nhất.

Thành phố cũng yêu cầu đích thân các Phó Chủ tịch cấp quận, huyện phải đi kiểm tra an toàn thực phẩm ít nhất 1 lần trong 2 tuần; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần, còn Phó Chủ tịch kiểm tra 2 lần mỗi tuần.  

Hà Nội là một trong hai thành phố đầu tiên thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn 3 năm trao quyền cho 5 quận, huyện, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Sắp tới đây, mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ được nhân rộng trên 100% quận huyện của Hà Nội và 8 tỉnh thành khác.

{keywords}
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học, quận Nam Từ Liêm.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, vai trò của người đứng đầu lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện, xã, phường đã được “khắc họa” rõ nét. Các đơn vị bước đầu phát huy được quyền lực, không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh.

Song theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tới tận các xã, phường, thị trấn, quận, huyện thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể như hạn chế về mặt nhân lực, thiếu các cán bộ có chuyên môn về an toàn thực phẩm, nhất là tuyến xã phường do đội ngũ này vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm.

Nhiều người được giao nhiệm vụ nhưng còn tâm lý ngại va chạm, nể nang họ hàng, làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết... Mặt khác, còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho phòng y tế và trạm y tế nên hiệu quả chưa cao. Chưa kể, nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm nằm sâu trong ngõ ngách, không có địa điểm cố định, nên gặp khó trong việc điều tra.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, mọi khó khăn đã từng bước được tháo gỡ kịp thời. Phòng y tế các quận huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Hà Nội đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo nghiệp vụ thanh tra; tập huấn kỹ năng chuyên ngành an toàn thực phẩm. Cuối khóa, tất cả thành viên tham gia đoàn thanh tra đều được cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và trang phục riêng.

UBND các cấp đã ra quyết định thành lập 12 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, với sự tham gia đầy đủ của các đơn vị chức năng theo quy định. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm đã bị phát hiện, kịp thời xử lý.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ở tuyến xã phường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhức nhối nhất là các mặt hàng nông sản. Vì vậy, các đoàn thanh tra đã kết hợp thêm tuyên truyền pháp luật, giáo dục kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều địa phương đã có những chuyển biến rõ nét, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân.

Chị Lê Thị Linh, kinh doanh rau củ tại chợ Vọng cho biết, trước đây gia đình chủ yếu nhập hàng từ mối quen các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Ứng Hòa. Do là bạn hàng lâu năm, cho nên khi nhập hàng về bán, chỉ cần quan tâm các sản phẩm tươi ngon, bắt mắt, chứ không đòi hỏi giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên sau tuyên truyền, nhiều hộ kinh doanh khác trong chợ đã có những yêu cầu khắt khe hơn với hàng hóa.

“Chúng tôi đã yêu cầu người cung cấp rau củ quả cho biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn thường xuyên cùng nhau vệ sinh khu vực bán hàng, cung cấp mẫu thực phẩm cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu... Nhờ vậy mà khách hàng đông hơn, tin tưởng hơn khi mua các loại thực phẩm trong chợ", chị Linh cho biết.

Theo Sở Y tế Hà Nội, 10 tháng đầu năm 2018, địa bàn  đã thực hiện 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó, có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của nông nghiệp, công thương, y tế.

Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, qua đó phát hiện lập biên bản, xử phạt 6.810 cơ sở hơn 25 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở. Đặc biệt, Công an Hà Nội đã khởi tố 1 vụ với 2 bị can có hành vi sản xuất kinh doanh mì chính giả.

Cơ quan chuyên môn tuyến thành phố đã lấy 1.389 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh phòng thí nghiệm. Kết quả, có 1.260/1.389 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý. Các mẫu không đạt do phát hiện Salmonella, vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Ciprofloxacin, thủy ngân, Enrofloxaxin...

Cơ quan chuyên môn của Hà Nội cũng xét nghiệm nhanh 191.453/207.640 mẫu, gồm xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi có số xét nghiệm đạt là 153.346/169.046 mẫu; xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm (hàn the, phẩm màu, dấm...) có số mẫu đạt là 38.107/38.594 mẫu.

Doãn Phong