9 tháng đầu năm 2018 , trung bình các vụ xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm của TP.HCM đạt 10 triệu đồng, gấp 50 lần mức xử phạt giai đoạn trước của cả nước (200.000 đồng).

Sau khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP), TP.HCM đã trở thành địa phương triển khai quyết liệt nhất cả nước.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, thành phố hiện có gần 47.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Những hộ kinh doanh thức ăn đường phố cùng các hộ kinh doanh cá thể về sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống được phân cấp về cho các quận huyện quản lý theo địa bàn.

“Kinh doanh thức ăn đường phố là mô hình rất đặc thù, có truyền thống lâu đời, tiện lợi và độc đáo, là sinh kế của nhiều cư dân đô thị. Tuy nhiên, với điều kiện môi trường, nhiệt độ, thói quen vệ sinh hiện nay, thức ăn đường phố còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”, bà Lan cho biết.

{keywords}
Không đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… sẽ bị phạt 500.000 - 1.000.000 đồng.

Nghị định 115 có các mức phạt tăng cao hơn nhiều so với Nghị định 178, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng xử phạt không đủ sức răn đe trước đây. Theo đó, mức xử phạt cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Một số trường hợp còn không có mức trần, nghĩa là phạt theo giá trị hàng hóa, có thể lên đến nhiều tỷ đồng. Riêng hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…tăng mức phạt tiền lên 500.000 - 1.000.000 đồng.

Thực tế, trước khi có Nghị định 115, TP.HCM đã xử phạt quyết liệt các cơ sở vi phạm. Mỗi vụ xử phạt của TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt trung bình 10 triệu đồng, gấp 50 lần mức xử phạt giai đoạn trước của cả nước (200.000 đồng). Nhiều vụ xử phạt vi phạm hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng và công khai thông tin xử phạt trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM.

Việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 115 sẽ tăng sức răn đe, song cũng sinh nhiều chiêu trò đối phó của cơ sở kinh doanh. Bà Lan cho biết, ban sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra, bảo đảm đúng quy trình, tăng cường giám sát nội bộ và xử lý nghiêm các vi phạm. 

Chỉ tăng cao mức phạt là chưa đủ, mà quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường các nguồn thực phẩm sạch.  Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM đã triển khai đến các quận huyện các chuẩn cơ bản cho thức ăn đường phố. Một số quận huyện cũng đã hình thành các tuyến phố tập trung thức ăn đường phố, đưa vào “khuôn khổ” nhưng lưu ý tính đặc thù, không rập khuôn với các nhà hàng, quán ăn.

“Chúng tôi đã tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho rất nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời,vận động trang bị kẹp gắp thức ăn, găng tay, đồ đựng một lần, khẩu trang... cho một số điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường về nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm nhanh về thực phẩm.

9 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra 2.200 cơ sở, phát hiện 449 cơ sở vi phạm, xử phạt 333 cơ sở với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng; tiếp tục xử lý 89 cơ sở. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt vi phạman toàn thực phẩm sẽ được đẩy mạnh hơn trong dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019, trùng thời điểm Tết cổ truyền.

Doãn Phong