Báo cáo về kết quả 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, của Bộ NN-PTNT cho biết, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012, mang tính đột phá và có cơ sở lý luận, cơ sở khoa học rõ ràng, phục vụ trực tiếp cho việc hoàn thiện cơ sở lý luận, cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ Nông nghiệp, đây là giai đoạn bản lề quan trọng trong phong trào xây dựng NTM trên phạm vi toàn quốc, đồng thời hướng đến cột mốc 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giai đoạn 2016-2020 là tiếp nối của Chương trình giai đoạn trước.

Tính đến nay, Bộ NN-PTNT cùng phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan khoa học đã hoàn thành thủ tục 25 đề tài, dự án. Hiện nay, đang hoàn thiện thủ tục tuyển chọn 19 đề tài, dự án; lấy ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình đối với 22 nhiệm vụ khoa học công nghệ trước tiến hành thủ tục xác định nhiệm vụ theo quy định.

{keywords}
Các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng vào nông nghiệp giúp tăng năng suất cây trồng, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm tốt hơn

Trong báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản ngày càng nhiều.

Cụ thể, công tác nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp chính thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, đã công nhận chính thức 18 giống cây trồng (09 giống lúa, 02 giống ngô, 02 giống mía, 03 dòng điều, 02 giống cây ăn quả), công nhận tiến bộ kỹ thuật (TBKT) cho 12 quy trình thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; 12 TBKT lĩnh vực chăn nuôi - thú y; 12 giống mới lĩnh vực lâm nghiệp (07 dòng keo lai tự nhiên, 01 xuất xứ Keo tai tượng, 03 dòng Macadamia nhập nội, 01 xuất xứ Đàn Hương); 06 TBKT mới trong lĩnh vực lâm sinh và công nghiệp rừng;

Nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới kéo xa bờ; xây dựng được quy trình sử dụng thức ăn hợp lý trong nuôi cá tra, quy trình nuôi giun nhiều tơ (trùng huyết và rươi) sạch bệnh làm thức ăn nuôi phát dục tôm thẻ chân trắng bố mẹ...

Đã công bố 01 QCVN, 48 TC về phân bón, thuỷ sản, lâm nghiệp, thú y và nông sản thực phẩm. Như vậy đến nay, ngành đã có 990 TCVN và 213 QCVN (tăng 01 QCVN và 148 TCVN so với năm 2018).

Cũng theo Bộ NN-PTNT, nhờ các chính sách về khoa học và công nghệ có nhiều đột phá nên hiệu quả đem lại cao. Trong đó, năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng lên.

Bài: Hoàng Tư Giang - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Hùng - nhóm PV