Thường trực Thành uỷ Hà Nội họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố vào chiều nay (6/8) bàn nhiều giải pháp dập dịch khi xuất hiện các ca nhiễm mới.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, từ ngày 25/7 đến nay, qua rà soát, người dân khai báo và tổ dân phố, phường xã báo cáo đã có trên 94.000 người đi về từ Đà Nẵng, Quảng Nam.

Thông tin về các ca bệnh, Chủ tịch Hà Nội cho biết, ca bệnh 447 và 459 đã truy tìm được F1 liên quan, xét nghiệm thì đều cho kết quả âm tính. Còn liên quan đến ca bệnh 714 và 6 ca bệnh ở Bắc Giang, Lạng Sơn thì Hà Nội có 104 trường hợp F1. Các quận huyện đang xác minh những người liên quan đến chuyến bay VN7198 và ca bệnh 620 (tại Hà Nam).

Về công tác xét nghiệm, bộ test nhanh do Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội từ giai đoạn 2, đã dùng 20.000 test cho kết quả rất tốt. Tuy nhiên, lần này số lượng người cần test trên 94.000 nhưng số lượng test chỉ có 80.000.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP: Hà Nội có 3 ca nhiễm đều đi từ Đà Nẵng về, đều có quá trình đi lại bên ngoài xã hội phức tạp

"Test này độ nhạy và độ chính xác theo hướng dẫn của đơn vị cung cấp và Bộ Y tế là xét nghiệm kháng thể, độ nhạy tương đối chứ không phải tuyệt đối. Vì thế, BN 714 dù được phường Phúc Diễn dù test nhanh âm tính nhưng xét nghiệm PCR lại dương", Chủ tịch Hà Nội đánh giá.

Nhấn mạnh điều này, lãnh đạo TP khẳng định sự công khai minh bạch, cho rằng đây là giải pháp kịp thời, test nhanh nhằm khoanh vùng dương tính nhiều, vùng có người đi từ Đà Nẵng về để có biện pháp chặt chẽ hơn, nhưng đây không phải biện pháp duy nhất.

Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các bệnh viện phải phân luồng, khám chữa theo quy định của Bộ Y tế.

"Chúng tôi đã họp và phê bình Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, do BN 714 khi đến khai báo y tế ngày 19/7, có sốt thì đáng lẽ bệnh viện phải làm xét nghiệm RT-PCR nhưng lại hướng dẫn người này lên bệnh viện phổi, lịch trình phức tạp", ông Chung thông tin.

Từ các thông tin trên, Chủ tịch Hà Nội cho hay, CDC Hà Nội đang mượn máy tách (test) chiết tự động với công suất 3.500 mẫu/ngày; 7 máy xét nghiệm RT-PCR công suất 7.000/ngày. Ngoài ra,  có các BV Bạch Mai, BV Đại học Y, BV Nhi và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Nếu huy động hết có thể xét nghiệm 9.000-10.000 test/ngày.

Thông tin lại về virus ở Việt Nam thuộc chủng mới, có đột biến, gây nguy hiểm hơn, Chủ tịch TP bày tỏ dịch sẽ có diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt, khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh 714 có lịch trình phức tạp và chuyến bay VN 7198, TP đề nghị nâng nguy cơ thêm một mức.

Bộ Y tế cũng đã đồng ý với quan điểm và khuyến cáo với Hà Nội khi tất cả những người đi từ vùng dịch từ ngày 14-29/7 sẽ được xét nghiệm RT-PCR.

{keywords}
Cuộc họp Thường trực Thành ủy với Ban Chỉ đạo chiều nay

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống vào cuộc với tinh thần "xác minh nhanh, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm nhanh". Trong giai đoạn này phải xác định các BN không có triệu chứng nên chỉ qua xét nghiệm mới biết có nhiễm Covid-19 hay không, nên công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Tất cả các trường hợp đi từ Đà Nẵng ra đều phải xét nghiệm và cách ly tập trung nếu có sốt, ho, khó thở; F2 phải cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe.

"Tối nay, TP sẽ tiếp nhận 10.000 bộ kit test RT-PCR từ đơn vị tư, ngày mai CDC Hà Nội sẽ giao cho 8 quận trung tâm. Với số người từ Đà Nẵng ra đông thì phải cần 60.000 bộ kit như thế này", ông Chung nói.

Nếu như tất cả TP quyết liệt, cùng với xét nghiệm nhanh, không có ca nhiễm mới thì sau 10 ngày nữa (tức là qua ngày 15/8),  Hà Nội tương đối an toàn. Còn nếu có những ca nhiễm mới thì rất khó lường, khi đó cần có biện pháp mạnh hơn, nâng cấp hơn", ông Chung nhận định.

Sẵn sàng phương án kích hoạt lại bệnh viện dã chiến Mê Linh

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là thời điểm cần phải hết sức đề phòng, dịch có thể lan truyền và bùng phát.

Bí thư Hà Nội cho hay, theo thống kê số lượng người từ Đà Nẵng về Hà Nội thời gian qua rất lớn, lên tới 94.000 người và chưa biết khi nào dừng lại.

Hà Nội có thuận lợi do có nhiều kinh nghiệm hơn; có sự tin cậy và hợp tác của người dân tốt hơn, sự đồng lòng, đồng sức của các cơ quan.

{keywords}
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: Người dân không được lơ là, chủ quan

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy cũng có khó khăn do tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều ca bệnh tại cộng đồng. Vật tư thiết bị thiếu, nhất là xét nghiệm để chẩn đoán PCR, thiếu máy móc dù “tiền có nhưng vật tư chưa mua được”.

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể và cấp bách. Kích hoạt toàn bộ hệ thống chống dịch. Ban cán sự đảng UBND TP nghiên cứu nâng mức cao hơn nữa về phòng chống dịch cho một số khu vực như thôn, đường phố có ổ dịch, có thể cao hơn mức chung toàn TP.

Rà soát lại nhu cầu và khả năng cung ứng các thiết bị và phương tiện phòng chống dịch. TP chỉ đạo các cơ quan rà soát cung cầu, thiếu thì mua sắm một cách công khai, minh bạch. Sở Công thương rà soát lại các vật tư thiết yếu, lương thực thực phẩm, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt.

Làm tốt hơn nữa công tác truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Ngoài việc truy vết F1, các trường hợp có triệu chứng đi về từ vùng dịch thì phải lưu ý rà soát các trường hợp nhập cảnh.

“Địa bàn nào sơ sẩy để xảy ra việc nhập cảnh trái phép, có F1, F2 mà không phát hiện được thì người đứng đầu cấp uỷ chính quyền đó phải chịu trách nhiệm”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành uỷ yêu cầu tập trung ưu tiên xét nghiệm theo PCR. Ngoài các cơ sở y tế của Hà Nội,  huy động thêm cả các cơ sở tư nhân. Ưu tiên xét nghiệm những F1 và người có triệu chứng.

Về khoanh vùng, cách ly, thực hiện giãn cách xã hội,  tuỳ theo mức độ rủi ro để có quyết sách.

Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh việc tập trung chữa trị, phải tính toán trường hợp xấu nhất mặc dù mong muốn không bao giờ xảy ra.

“Muốn nó không xảy ra thì phải có phương án chuẩn bị, không xảy ra thì tốt, mà xảy ra thì giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất và thiệt hại.

Rà soát lại các cơ sở y tế của TP có khả năng chữa trị, sẵn sàng phương án kích hoạt lại bệnh viện dã chiến ở Mê Linh”, ông Huệ nói.

Lãnh đạo Thành uỷ cũng yêu cầu tổ chức tốt và tuyệt đối an toàn kỳ thi THPT quốc gia sắp tới...

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.