- Đường vắng tanh, hơi nóng phả vào rát cả mặt. Mặt trời chiếu cái nắng gay gắt suốt từ 9h sáng đến hơn 4h chiều. Khu vực Tương Dương (Nghệ An) những ngày này thực sự trở thành lò lửa khổng lồ.

‘Chảo lửa’ nơi ngã ba sông

Cửa Rào cách thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) hơn 5 cây số, là nơi hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơm hợp lại thành dòng sông Lam.

{keywords}

Nắng đổ lửa ở ngã 3 Cửa Rào (huyện Tương Dương, Nghệ An), nơi được mệnh danh là ‘chảo lửa Đông Dương’.

Trước nay, đây vẫn được xem là ‘lò lửa’ bởi khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt vào mùa hè luôn ở mức cao nhất cả Nghệ An, thậm chí là cả Đông Dương.

Mới chừng 10h sáng ngày 7/5, người dân địa phương đã bắt đầu phải hứng chịu sự oi nồng đến gay gắt. QL7 từ huyện lỵ lên ngã ba Cửa Rào thưa thớt người, thi thoảng chỉ có những xe tải chạy bạt mạng hoặc vài học sinh bịt kín toàn thân đạp xe về sau buổi học.

“Cứ độ 9, 10 giờ sáng là nắng đã quay quắt trên đầu, đến hơn 4 giờ chiều mới bắt đầu dịu bớt. Năm nào cũng nắng như lửa vậy cả”, chị Nguyễn Thị Tứ, một người bán nước mía sát quốc lộ lau mồ hôi chép miệng.

Quán nhỏ của chị đông đúc người, ai nấy vừa giải khát vừa lắc đầu trước cái nắng gay gắt.

12h trưa, cái nóng bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Các căn nhà bịt kín cửa, đường ngõ không một bóng người.

  {keywords}

Người dân Tương Dương tìm đến các hàng nước cạnh khu vực rừng săng lẻ thuộc xã Tam Đình để tránh nắng.

Dọc hai bên bờ sông, thỉnh thoảng có một vài nhóm em nhỏ người Thái bì bõm bơi lội dưới nắng đổ lửa. Ngay tại ngã ba Cửa Rào, ve sầu kêu inh ỏi càng khiến cho cái nắng gay gắt đến ngộp thở!

Chỉ tay vào mớ số liệu, chị Trần Thị Kim Loan, Trạm trưởng Trạm khí tượng Tương Dương cho biết, nền nhiệt Tương Dương luôn ở mức cao nhất Nghệ An. Vào mùa hè, nhiệt độ buổi trưa ở đây thường dao động từ 37 – 40 độ, thậm chí lên đến 41- 42 độ C.

“Nhiệt độ cao nhất là khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Năm ngoái, trạm đo được nhiệt độ đỉnh điểm lên đến 41 độ C, cao nhất cả năm 2014”, chị Loan cho biết.

Nhưng đó vẫn chưa phải là nhiệt độ cao nhất từng đo được ở đây. Năm 2007, trạm đo được nhiệt độ lên đến 42,2 độ C. Những năm khác, nền nhiệt trên 40 - 41 độ C vẫn xuất hiện phổ biến. Nắng nóng gay gắt thậm chí trở thành ‘đặc sản’ mỗi khi ai đó nói về khu vực Cửa Rào.

Khát khô bên bờ sông

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở một số xã tiếp giáp thị trấn Hòa Bình lâm vào cảnh thiếu thốn nước sạch. Đặc biệt vào mỗi mùa nắng nóng, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng. Dân bản phải xoay sở đủ cách để chắt chiu từng giọt nước.

{keywords}

Khát nước sạch, hàng trăm hộ dân Tương Dương phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong mùa nắng nóng.

Trao đổi với PV, ông Vi Xuân Quyết, Chủ tịch UBND xã Thạch Giám trăn trở, hiện xã có gần 350 hộ ở 3 bản Cây Me, Mon và Thạch Dương thiếu nước sạch để sinh hoạt, trong đó nghiêm trọng nhất là ở Cây Me.

Ông Lữ Văn Vũ, Bí thư chi bộ bản Cây Me dắt tay phóng viên vào tận bể nước nhà mình than thở, suốt 7 năm nay, gia đình ông cùng hàng trăm hộ khác phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn do không còn cách nào khác.

Dưới cái nắng gay gắt, ông Vũ mở vòi nước từ bể chứa sau bếp, loại nước có thể nhìn rõ lờ đờ màu trắng đục mà thường ngày ông cùng con cái vẫn dùng. Nước sạch không có, gia đình ông cùng 40 hộ khác phải chạy lên Khe Khiến quây lại, bắt vòi dắt về bể để dùng đã 7 năm nay.

{keywords}

Váng đóng thành cục như xi măng dưới đáy nồi sau khi người dân đun sôi nguồn nước từ bể chứa. 7 năm qua, ông Vũ cùng hàng trăm hộ dân ở bản Cây Me, Thạch Giám phải sử dụng nguồn nước này.

“Loại nước này lạ lắm, cứ đun sôi là đọng phía dưới nồi một lớp như vôi hoặc xi măng. Chúng tôi phải chắt lấy lớp trên để nấu ăn, làm nước uống. Cứ dăm bữa nửa tháng, ai nấy phải đưa nồi ra cạo bỏ lớp váng dày đông cứng dưới đáy đi" - ông Vũ rầu rĩ.

Cũng theo lời ông Vũ: "Mùa mưa còn có thể hứng nước để dùng. Mùa này nắng cháy khô thế không uống nước này thì chết khát à chú! Trước đây chúng tôi còn có thể dùng nước sông, nay gần chục nhà máy thủy điện mọc lên khiến nguồn nước không thể dùng được".

Cũng tại bản Cây Me, gia đình anh Lô Văn Hoàn cùng 80 hộ khác phải chạy đến Khe Tọc dắt nước về bể để dùng.

Nguồn nước này cũng chẳng khá gì hơn, vẫn đông đặc lớp váng dưới nồi sau khi đun sôi. Bà con dân bản dù lo sợ nhưng khát nước sạch quá, đành ăn uống trong thấp thỏm.

Dân bản cho hay, trước đây chính quyền địa phương đã làm hệ thống ống dẫn nước lấy nước sạch từ bên kia sông về tận bản. Nhưng trận lũ lớn mấy năm trước đã cuốn trôi ống nước.

Suốt nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ven sông vẫn khát khô mỗi mùa nắng nóng. Không chỉ ở Thạch Giám, một số nơi ở Xá Lượng, thậm chí thị trấn Hòa Bình cũng khan hiếm nước sạch.

Với người dân nơi đây, mỗi mùa nắng nóng hàng năm đều cứ trôi qua như cực hình!

Bà Trần Thị Kim Loan, Trạm trưởng khí tượng Tương Dương cho biết, thời tiết tại Tương Dương đang xuất hiện một số hiện tượng bất thường, trong đó có lốc xoáy.

Mới nhất, trận lốc xoáy vào ngày 4/5 đã làm tốc mái hoặc hư hỏng hàng trăm nhà dân ở Thạch Giám, thị trấn Hòa Bình, Xá Lượng, trong đó có nhiều hộ nghèo.

Một số cơ quan chức năng khuyến cáo rằng, việc xây dựng cả chục nhà máy thủy điện lớn nhỏ suốt từ Mỹ Lý (Kỳ Sơn) đến Khe Bố (Tương Dương) không chỉ băm nát dòng sông, mà có thể còn là nguyên nhân khiến thời tiết thay đổi bất thường.

Trao đổi với VietNamNet ngày 7/5, ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, huyện đã khảo sát và sẽ có dự án cấp nước sạch cho người dân các bản ở Thạch Giám trong thời gian tới.

Cao Thái