- “Nếu các khó khăn không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn”, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay.

Sáng nay (14/5), tại Hà Nội, UB Thường vụ QH đã họp thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch 2013.

Nợ xấu, tồn kho

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu đã đọc báo cáo thẩm tra. Báo cáo của UB Kinh tế tiếp tục đưa ra nhiều quan ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế và sự chậm trễ trong thực thi chính sách.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay bị tác động bởi bối cảnh chung. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong 2 năm liên tiếp, dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét. Tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện.

{keywords}
Cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất và mở rộng thị trường. Ảnh minh họa: Bình Minh

Việc thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đem lại kết quả rõ rệt, dư địa chính sách kích thích tăng trưởng bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách trong khi thị trường vốn và tăng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức quá thấp.

“Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là vấn đề đặt ra không chỉ của năm 2013 mà cả các năm tiếp theo”, UB Kinh tế nhận định.

Theo đánh giá của UB Kinh tế, tăng trưởng sẽ rất khó khăn trong năm nay với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm đang ngày càng rõ nét hơn. Cụ thể, GDP quý I/2013 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%.

Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng với tỉ lệ tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang ở mức cao làm ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ và tồn kho của sản xuất công nghiệp.

Liên quan đến điều hành thị trường vàng, Chủ nhiệm UB Kinh tế nhận định, NHNN đã tiến hành đấu thầu vàng miếng để ổn định thị trường vàng, với kết quả ban đầu nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao.

“Cùng với việc nguồn vốn FDI không tăng và tín dụng cho nền kinh tế tăng rất thấp, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự có sự cải thiện rõ rệt”, UB Kinh tế đánh giá.

Những khó khăn nói trên đã tác động cụ thể đến hoạt động doanh nghiệp. 15,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, tăng 14,6% so với quý I năm ngoái.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

UB Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 sẽ hết sức nặng nề. Thách thức chính sách nổi lên là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Một số thành viên UB Kinh tế khẳng định, tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, nên áp lực lạm phát năm 2013 là không cao. Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát 6-6,5% cả năm 2013 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP.

Liên quan đến sức khỏe doanh nghiệp, UB Kinh tế QH nhận định, sau một thời gian dài kiểm soát tín dụng với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản. Một bộ phận lớn đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.

Cùng với nhân tố năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm cải thiện do quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đang mới bắt đầu được thực hiện, yếu tố tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong năm 2013 và những năm tới đây sẽ bị sụt giảm. Nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Ủy ban Kinh tế lưu ý, cần tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất và mở rộng thị trường. Chú trọng công tác điều hành giá theo lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ công, tránh gây biến động mạnh chỉ số giá, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng và tạo việc làm…

Hôm nay, Thường vụ QH sẽ thảo luận về các nội dung nói trên, để hoàn thiện bản báo cáo sẽ được trình bày tại kỳ họp QH sắp tới.

Lê Nhung