- Chính phủ cho rằng ngân sách nhà nước năm 2016 tiếp tục khó khăn, chưa thể cân đối được nguồn để điều chỉnh lương cơ sở.

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước QH chiều nay về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách 2016 dự kiến là 1.014.015 tỉ đồng, bao gồm cả 30.000 tỉ đồng thu từ tiền bán bớt cổ phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, tăng 16,7% so với dự toán 2015.

{keywords}

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: H.Long

Tuy nhiên bội chi 2016 dự kiến lên tới 254.000 tỉ đồng, tăng 28.000 tỉ đồng so với 2015.

Trước tình hình ngân sách khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong năm 2016 Chính phủ chưa chưa cân đối được nguồn để điều chỉnh lương cơ sở.

Trước mắt, trong năm 2016 chỉ bố trí 1.500 tỉ đồng để thực hiện điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp ưu đãi với người có công, trợ cấp mất sức lao động, công chức, viên chức... có thu nhập dưới 2 triệu đồng để những đối tượng này đạt mức lương cơ sở.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị QH cho phép các địa phương trích 50% ngân sách vượt thu trong năm 2016 (dự kiến khoảng 4.100 tỉ đồng) để lấy nguồn đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở, tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với các đối tượng có thu nhập thấp.

Do bội chi tiếp tục tăng, Chính phủ đề nghị cắt giảm 10% chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương trừ các khoản chi cho con người ở nhiệm vụ đặc thù.

Năm 2016, nguồn ngân sách sẽ được ưu tiên để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, bố trí tăng chi trả nợ để đảm bảo trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn, đối với nợ trong nước đảm bảo trả đủ lãi và một phần nợ gốc.

“Nước lên thuyền lên” khó tăng lương

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh, nếu muốn tăng lương phải giảm người, còn “thuyền lên nước lên” như hiện nay rõ ràng không bao giờ giải quyết được bài toán tăng lương.

“Chúng ta không thể cứ theo kiểu tăng biên chế rồi tăng lương. Bây giờ nếu muốn tăng lương thì phải giảm biên chế. Nơi nào giảm 30% biên chế thì đương nhiên người lao động được tăng lương”, ông Lịch nêu quan điểm.

Theo ông Lịch, nếu cứ lấy toàn bộ thu chỉ dành cho chi thường xuyên như hiện tại không thể giải quyết bài toán nợ công.

Thúy Hạnh