Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa công bố báo cáo kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, đến hết tháng 9/2019, có trên 9,2 triệu lao động được học nghề. Cụ thể, có 5,3 triệu người đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề.

{keywords}
80% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề.

Báo cáo của Tổng cục cũng ghi nhận, sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Đáng chú ý, có gần 200 nghìn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí nông thôn mới.

Đạt được những kết quả như trên, trước hết là nhờ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan ở Trung ương. Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách tương đối kịp thời, đầy đủ, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng thời với đó, các địa phương cũng chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn cụ thể để các cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo nghề…

Dự báo giai đoạn 10 năm tiếp theo (2020 - 2030) nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp của lao động động khu vực nông thôn rất lớn, biến động từ 3,5 triệu đến 6 triệu lượt người học. Đến năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 30% và tiếp tục giảm xuống còn 20% vào năm 2025 và 15% vào năm 2035.

Tỷ lệ lao động nông thôn cần có sự đột phá, phát triển nhanh, nhất là nhóm có chuyên môn kỹ thuật (cần đến 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2035).

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập như: Nội dung đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất không đạt mục tiêu của Đề án 1956. Do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp…

Trong bối cảnh như vậy, để đạt được mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025, cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: Các địa phương cần xây dựng, phê duyệt và ban hành danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và chi phí đào tạo; chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, cần phải xem đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp đột phá đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm mà ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện như: Đề án phát triển mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần bám sát nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2030 ở địa phương, vùng miền để hoạch định cơ cấu nghề, chương trình, nội dung đào tạo nghề cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xã viên, nông dân nghèo trong cả nước.

Bài: Phạm Lương Bằng - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Quyết Thắng - Nhóm PV