Ngày 1/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp TƯMTTQVN tổ chức chương trình gặp mặt biểu dương các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 3 năm 2017 – 2019.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Theo đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế thời gian qua chỉ từ 7-8%/năm, nhưng chi cho an sinh xã hội tăng bình quân trên 20%/năm. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia

Chung tay với Đảng, Nhà nước trong xoá đói giảm nghèo, Phó Thủ tướng dẫn số liệu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trong 9 năm qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo trên 50.000 tỷ đồng để giúp đỡ họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

“Chưa kể nhiều DNNN, DNTN và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã lặng lẽ hỗ trợ rất rất nhiều mà chúng ta chưa thống kê được”. Dẫn ra điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, dù ủng hộ công khai hay lặng lẽ vẫn phải có các hình thức tri ân tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng có tinh thần thiện nguyện.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, cả nước đã sửa chữa, xây mới 1,5 triệu nhà đại đoàn kết và giúp hàng triệu người thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông và các dịch vụ cơ bản khác.

Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, đã có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 200 xã thoát khỏi khó khăn, nhiều xã trở thành xã nông thôn mới hay thôn, bản nông thôn mới.

“Việc tiếp nhận ủng hộ và chi tiêu công đều công khai, minh bạch và không ai được phép gian lận dù chỉ 1 đồng. Đây là lệnh của Thủ tướng và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ tới các cấp, đơn vị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các nhà tài trợ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cả nước vẫn còn 2,53 triệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Tỷ lệ tái nghèo rất cao khi gặp biến cố bão, lũ... đòi hỏi Chính phủ, các địa phương tiếp tục ban hành và thực thi đồng bộ các chính sách giảm nghèo căn cơ hơn nữa và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội bền vững các xã vùng dân tộc, biên giới.

Bài: Hải Linh - Nhóm PV
Ảnh: Lê Thúy - Nhóm PV