Hà Nội đã lập công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) 2 năm nay để vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. 

Đơn vị này đã đào tạo gần 1.000 nhân viên và lái tàu nhưng do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành chậm nên trong 1 năm vừa qua có tới 28% công nhân bỏ việc.

Về vấn đề này, đại diện công ty Metro Hà Nội nói rõ: Đúng là số lao động tuyển vào từ đầu năm đến nay đã bỏ đi tới 28%. Tuy nhiên, khi số này bỏ đi thì đơn vị lại tuyển người mới vào đào tạo, đảm bảo tham gia vận hành dự án.

28% lao động bỏ việc chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản. Số lao động trình độ kỹ thuật được cử đi đào tạo trở về vẫn làm việc và tiếp cận cận công việc vận hành dự án bình thường. 

Vị này cũng nói rõ, lái tàu không có ai bỏ việc và vẫn đang tham gia chạy thử hàng ngày trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

“Đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật tham gia vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn đảm bảo. Bất cứ lúc nào dự án đảm bảo điều kiện đưa vào khai khai thác thương mại, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vận hành”, đại diện công ty Metro Hà Nội cho hay.

{keywords}
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết ngày nào đưa vào khai thác thương mại

Được biết, hiện tại có 681 người đang tham gia vận hành tuyến đường, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu, quản lý nhà ga, sửa chữa công trình, đầu máy toa xe...

Liên quan đến tiến độ dự án, trong buổi làm việc với công ty Đường sắt 6 Trung Quốc tuần qua, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu như mọi việc suôn sẻ, hết tháng 12 dự án sẽ khai thác thương mại. 

Những ngày qua công ty Metro Hà Nội đã chạy thử với tần suất như khai thác thương mại. Sau khi chạy đủ 20 ngày, dự án có thể được nghiệm thu.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với công ty Đường sắt 6 Trung Quốc, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nói rõ, hiện nay dự án vẫn còn 4 vấn đề lớn phải giải quyết. 

Đầu tiên là công tác đánh giá, nghiệm thu về an toàn của Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Để phục vụ nội dung này, phía Việt Nam đã đồng ý cho công ty Đường sắt 6 Trung Quốc cung cấp tài liệu liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ.

Ngoài ra dự án phải được kiểm toán. Dự án được tiến hành ở Việt Nam nên phải chấp hành theo pháp luật của Việt Nam. Cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền và tổng thầu phải giải trình.

Tổng thầu phải khắc phục những kiến nghị của kiểm toán đã nêu, từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng đến thi công.

Cuối cùng, tổng thầu phải phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành việc cung cấp các trang thiết bị theo đúng nội dung hợp đồng đã ký. 

Đợi đường sắt Cát Linh-Hà Đông mãi không xong, 28% công nhân bỏ đi

Đợi đường sắt Cát Linh-Hà Đông mãi không xong, 28% công nhân bỏ đi

Hà Nội đã đào tạo gần 1.000 nhân viên và lái tàu phục vụ cho vận hành đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông song vì dự án chậm tiến độ nên đã có 28% công nhân bỏ đi.

Vũ Điệp