Sau 2 năm lát đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm, trên một số vỉa hè các tuyến đường tại Hà Nội như Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh đã xuống cấp, nhan nhản vết nứt, vỡ gạch, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Ngoài ra, cuối tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã ban hành quyết định thiết kế mẫu hè đường đô thị ở 15 quận, huyện, thị xã. Gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.

{keywords}
Dây cáp ngầm lộ thiên cùng hàng gạch vỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh 

Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, tình trạng đá lát vỉa hè bị vỡ nứt có nhiều nguyên nhân: chất lượng đá, quy cách của viên đá, quá trình thi công, vấn đề quản lý sau khi vỉa hè được lát.

“Chỉ cần một trong những khâu đó mà kém thì lát đá vỉa hè sẽ không thành công”, ông Tùng nói.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho hay, hiện nay Bộ Xây dựng và Nhà nước đang khuyến khích có chủ trương đưa vật liệu không nung vào trong xây dựng. Vậy cớ gì lại bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng đi mua đá, phá môi trường tự nhiên, mà lẽ ra núi đá phải giữ lại cho con cháu sau này để phát triển du lịch, bảo vệ cảnh quan, giữ gìn môi trường bền vững.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Phá đá nổ mìn gây bụi, phá cảnh quan. Ta lát đá vô hình trung là tiếp tay, khuyến khích cho chuyện đó”.

Vị KTS nêu quan điểm, hiện nay, các KTS và nhà xây dựng có chuyên môn rất giỏi, có công nghệ, nên chúng ta có nhiều loại gạch để lát vỉa hè. Vấn đề là kỹ thuật lát như thế nào, chất lượng viên gạch ra sao và có quản lý được vỉa hè không.

Nhắc việc vỉa hè có những chuyện như “cha chung không ai khóc, thích thì lát, tiêu vào đó một khoản tiền”, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay, nhiều công ty rất thích đi lát vỉa hè, bởi họ có thể thuê lao động thời vụ, không cần có kỹ thuật nhiều, không phải đào móng và đóng cọc... nên làm chưa xong đã nứt, vỡ.

Vỉa hè không phải là thứ trang sức của đô thị

Theo ông Tùng, vỉa hè làm nhiệm vụ thấm nước vào mùa mưa bão, có thể thấm từ 10-15% lượng nước. Tuy nhiên, nếu lát đá hết thì sẽ không thấm được nước dẫn đến môi trường đất thay đổi.

Ông đưa ra một số ý kiến rằng, vật liệu lát vỉa hè không nên dùng đá bởi nó không thân thiện với môi trường, đi ngược lại hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh, đô thị thông minh. Còn nếu đã mua, dùng thì phải có đấu thầu, chọn lựa đá phải đảm bảo kích thước.

“Lát đá vỉa hè chiều dày tối thiểu phải 5-7cm, viên đá càng nhỏ càng tốt, khoảng 20x20, không nên dùng viên đá to vì vừa nặng, vận chuyển dễ vỡ, thợ làm chỉ cần đặt kênh một tí thôi đến khi vỡ một viên là kéo theo các viên khác vỡ.

Trong khi thay đá rất khó, giá thành lại cao, 1m2 đá có thể lên đến vài trăm nghìn đồng”, ông Tùng kiến nghị.

{keywords}
Mỗi khi xe máy chạy trên vỉa hè, những miếng gạch ốp vỉa bị bung lên kêu bôm bốp, vỡ tung tóe

Ông cho rằng, có nhiều cách để làm, đây là bài toán của khoa học, văn hoá, nhân văn và nhấn mạnh: “Đừng coi vỉa hè là vật trang sức, vỉa hè không phải là thứ để trang sức cho đô thị mà vỉa hè cần sự ngăn nắp, tinh tươm và an toàn, bền vững.

Không cần đồng phục hoá vỉa hè, lát đá hết, màu nọ màu kia, trừ những chỗ phố đi bộ thì nghiên cứu lát đá thế nào. Chúng ta đang bắt đầu đô thị thông minh thì phải thông minh hoá từ vỉa hè”.

KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho hay, muốn lát đá vỉa hè thì phải kiểm tra xem vỉa hè như nào, nếu cứ lát như thế này thì chỉ sang năm nó lại bong tróc. Vỉa hè phải luôn được quản lý tốt và thông thoáng, là nơi dành cho người đi bộ chứ không phải là nơi đỗ xe máy và ô tô, không phải là nơi chiếm dụng để bán hàng.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất là phải tuân thủ cấu trúc thiết kế của kết cấu vỉa hè, các vật liệu đều phải được kiểm chứng. Hai là cách thức tổ chức, năng lực, tính chuyên nghiệp của người thợ, thi công phải khoa học, bài bản.

“Tổ chức lại một cách tử tế, nghiêm túc, đừng để vấn đề xáo đi xáo lại mà làm cho người ta lo lắng, mất niềm tin. Tiền là thuế của người dân, làm phục vụ nhân dân nên làm sản phẩm phải tử tế, đến nơi đến chốn, đảm bảo yêu cầu chất lượng chứ không thể lôm côm được.

Hà Nội là thủ đô du lịch, nơi hàng triệu khách quốc tế đến thăm, cả nhân dân cả nước đến nên phải có lòng tự trọng công trình của thủ đô, niềm tự hào của Việt Nam”, ông Chủng nói.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã "thực hiện nghiêm túc, chịu hoàn toàn trách nhiệm" về dự án lát đá vỉa hè trên địa bàn.

TP yêu cầu từng đơn vị kiểm soát chặt chẽ vật liệu lát hè, chỉ đạo các bên liên quan tuân thủ đúng yêu cầu về quy trình thi công, nghiệm thu. Đối với vật liệu lát vỉa hè đã qua sử dụng nhưng còn đảm bảo chất lượng, phải có phương án sử dụng lại ở vị trí phù hợp.

Lãnh đạo TP đề  nghị các quận lập đoàn kiểm tra từng khâu, từng dự án để đảm bảo việc triển khai đúng quy định. 

Lát vỉa hè đá 'bền vững 70 năm' mới 2 năm bật tung, vỡ nát

Lát vỉa hè đá 'bền vững 70 năm' mới 2 năm bật tung, vỡ nát

Chỉ sau 2 năm được lát mới, đá tự nhiên 70 năm tuổi, trên vỉa hè Hà Nội bị vỡ nát, bong tróc.

Hương Quỳnh