Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi QH về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này.

Theo đó, ngoài các tuyến đường sắt đô thị đang thực hiện đầu tư như Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên…  dự kiến tại Hà Nội và TP.HCM sẽ xây dựng thêm một số tuyến khác.

Tại Hà Nội, dự kiến xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305km và nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh.

Kéo dài tuyến số 2 từ Nội Bài đến Trung Giã, huyện Sóc Sơn khoảng 9km; kéo dài tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) từ Hà Đông đến Xuân Mai, chiều dài khoảng 20km, theo hướng quốc lộ 6, bố trí đề pô tại Xuân Mai.

Đồng thời, kéo dài tuyến số 3 từ Nhổn đi đô thị vệ tinh Sơn Tây theo hướng quốc lộ 32, chiều dài khoảng 30km, bố trí đề pô tại Sơn Tây.

Tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai có chiều dài khoảng 32km, từ khu đô thị vệ tinh Sơn Tây, tuyến đi theo hướng quốc lộ 21 kéo dài đến các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, khi chưa xây dựng đường sắt đô thị nghiên cứu sử dụng xe buýt nhanh, bố trí đề pô tại xã Hòa Thạch.

Ngoài ra, Hà Nội cũng quy hoạch một số tuyến tàu điện 1 ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.

Cụ thể là tuyến Liên Hà - Tân Lập - An Khánh dài khoảng 11km, Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương dài khoảng 22km, Nam Hồng - Mê Linh - Đại Thịnh dài khoảng 11km, sau này tuyến có thể kéo dài lên Phúc Yên.

"Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác", Bộ GTVT thông tin.

TP HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên dài khoảng 173km

Tại TP HCM, sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173km, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57km.

Cụ thể là tuyến xe điện mặt đất số 1: Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu, chiều dài khoảng 12,8 km. Định hướng kéo dài từ Ba Son đến khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh).

Tuyến Monorail số 2: Quốc lộ 50 (quận 8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (Quận 2) - Khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh); định hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3a, chiều dài khoảng 27,2km.

Tuyến Monorail số 3: Ngã tư (Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh) - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 16,5km.

Hiện nay, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, đồng thời tạo nên dáng dấp đô thị hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM.

Nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị giai đoạn vừa qua là 29.994 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội là 12.750 tỷ đồng, TP HCM là 17.244 tỷ đồng.

Để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương triển khai, đáp ứng tiến độ các dự án.

Thu Hằng

Tổng thầu Trung Quốc không cung cấp đủ hồ sơ về an toàn tàu Cát Linh-Hà Đông

Tổng thầu Trung Quốc không cung cấp đủ hồ sơ về an toàn tàu Cát Linh-Hà Đông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tổng thầu Trung Quốc cung cấp không đầy đủ hồ sơ để đánh giá an toàn đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.