- Tuyến đường sắt trên cao này đang đứng trước nguy cơ “vỡ” tiến độ do chậm GPMB và áp dụng hình thức tổng thầu EPC.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông được khởi công năm 2010 và dự kiến quý II năm 2015 sẽ đi vào vận hành. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường sắt trên cao này đang đứng trước nguy cơ “vỡ” tiến độ do chậm GPMB và áp dụng hình thức tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị-xây lắp, vận hành).

Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (Đại diện chủ đầu tư), Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, đến thời điểm này, khối lượng công việc dự án đạt khoảng 50%.

Hiện một số đoạn, hạng mục của dự án, công tác bàn giao mặt bằng bị chậm so với kế hoạch đã thống nhất như: khu đường nhánh Ba La - Hà Đông dẫn vào Depot đã vài lần xin gia hạn thời gian GPMB nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao hết.

Việc di dời hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng Hà Nội trên đoạn La Thành - Láng đến nay chưa thể xong.

{keywords}

Mới đây, đơn vị Tổng thầu là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã báo cáo rất khó khăn để đảm bảo tiến độ như kế hoạch.

Ngoài ra, theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị này sẽ có 12 nhà ga. Tuy nhiên, ông Lục nhìn nhận, tiến độ thi công các nhà ga trên cao như ga Thái Hà, Cát Linh đang bị “treo” vì chưa có mặt bằng.

Thời gian thi công mỗi ga tối thiểu mất 12 tháng trong điều kiện đơn vị thi công làm 3 ca/ngày liên tục. Đến giờ, mặt bằng chưa có để thi công. Chúng tôi lo ngại, đến tháng 3/2015 khó có thể đặt ray qua ga này để chạy thử”, ông Lục cho hay.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt, một lý do khiến tuyến đường này tới nay vẫn chậm tiến độ là do thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn thiết kế và thi công của Trung Quốc. Đây là hình thức mới đối với các dự án xây dựng giao thông ở Việt Nam.

Ở dự án này, Tổng thầu bị lệ thuộc nhiều vào các nhà thầu phụ thiết kế, thầu phụ thi công, thầu phụ đào tạo, cung cấp thiết bị. Trong khi đó, Ban Quản lý Dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm về quản lý theo hình thức hợp đồng này, nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Ông Lục cho rằng, Tổng thầu EPC, tư vấn của tổng thầu không thực hiện đúng vai trò của mình, ỷ lại vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của chủ đầu tư.

Chủ đầu tư vẫn phải trực tiếp tham gia điều hành khảo sát, thiết kế, thi công cũng như giám sát, nghiệm thu giống như các hợp đồng thông thường”, ông Lục nói.

Ngoài ra, các cán bộ chủ chốt của nhà thầu phụ thiết kế thường không trực tiếp làm việc ở Việt Nam nên quá trình trao đổi, xử lý các khúc mắc kỹ thuật thường kéo dài dẫn đến hiệu quả thấp, làm chậm tiến độ chung của dự án.

Dự kiến tháng 6/2015 sẽ đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào vận hành. Tuy nhiên, mới đây, đơn vị Tổng thầu là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã báo cáo rất khó khăn để đảm bảo tiến độ như kế hoạch”, ông Lục cho biết.

Vũ Điệp