Đua nhau xin cấp mã QR code để vào luồng xanh

Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 80.000 phương tiện trên cả nước được cấp mã QR code đi vào luồng xanh. Tuy nhiên các xe chưa có mã QR code vẫn có thể đi vào luồng xanh nếu đảm bảo các điều kiện khai báo y tế, giấy xét nghiệm âm tính và chở hàng hoá thiết yếu.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước thì việc tạo luồng xanh để lưu thông hàng hoá được cho là sáng tạo kịp thời để vận chuyển hàng hoá thiết yếu, không làm đứt gãy sản xuất. Luồng xanh quốc gia đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương công bố rất cụ thể. 

{keywords}
Giảm ùn tắc, Hà Nội cấp thẻ nhận diện "luồng xanh" cho xe đi qua 22 chốt chắn

Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ, nhiều địa phương đang hiểu sai về luồng xanh khi bắt buộc xe phải có mã QR code mới cho xe đi vào luồng xanh là không đúng.
 
“Xe được cấp mã QR code khi qua chốt vào luồng xanh sẽ nhanh hơn do lực lượng không phải kiểm tra, còn nếu xe không có mã QR code thì phải kiểm tra giấy tờ, giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 và chở hàng hoá thiết yếu…”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
 
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, việc nhiều người hiểu sai rằng phải được cấp mã QR code mới được đi vào luồng xanh thời gian qua đã dẫn đến tình trạng đua nhau xin cấp mã QR code. Thậm chí trên hệ thống có nhiều người đăng ký cho cả xe cá nhân đi vào luồng xanh là không đúng, thực tế này gây khó khăn cho công tác cấp mã QR code cho xe vận chuyển hàng hoá.
 
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, do số lượng phương tiện gửi đến Sở GTVT cấp mã QR code quá lớn dẫn đến tình trạng quá tải trong việc kiểm tra và giải quyết cấp cho doanh nghiệp vận tải. Trong số này có rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không đủ thông tin và những vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông qua địa bàn TP, thực tế này dẫn đến số lượng mã cấp chưa đáp ứng được nhu cầu. 
 
Để đảm bảo thời gian giải quyết nhanh chóng và tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi 11 Sở GTVT khu vực phía Bắc để điều chuyển một số lượng xe nhất định hiện đã được gửi đến Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận, giải quyết kịp thời, nhanh chóng cho đơn vị vận tải.
 
Gỡ vướng để xe lưu thông luồng xanh
 
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay quy định về luồng xanh rất cụ thể nhưng vẫn còn tình trạng các địa phương hiểu khác nhau về thủ tục cho xe đi qua luồng xanh dẫn đến khó khăn cho việc lưu thông hàng hoá. 
 
Đơn cử như giấy xét nghiệm âm tính với Sars-Cov-2, dù Bộ GTVT và Bộ Y tế đã thống nhất công nhận kết quả test nhanh cũng như xét nghiệm PCR có hiệu lực như nhau trong vòng 72h, tuy nhiên thực tế vẫn có địa phương chỉ công nhận xét nghiệm PCR, không công nhận kết quả test nhanh. Thậm chí có địa phương chỉ công nhận giấy xét nghiệm âm tính với Sars-Cov-2 có hiệu lực trong vòng 48h chứ không đồng ý trong vòng 72h.
 
Về vấn đề này, chiều 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo, từ 0h ngày 30/7, các tỉnh, thành phố trên cả nước cần thống nhất thực hiện, người trên phương tiện chở hàng hoá lưu thông cần có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên Sars-CoV-2 trong thời gian 72h. Quy định này sẽ giải quyết được tình trạng mỗi địa phương quy định mỗi kiểu.

Bộ GTVT cho biết thêm, hiện vẫn còn có nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp vận tải, chủ hàng về những vướng mắc khi đăng ký vận chuyển những hàng hóa chưa có trong danh mục hướng dẫn của Bộ Công Thương và của một số địa phương.

Ví dụ như thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế… Điều đó gây lúng túng cho các sở GTVT khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR code) cho các doanh nghiệp, người dân. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT có hướng dẫn để tháo gỡ, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có văn bản nói rõ, nhiều tỉnh thành đã ban hành danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng còn thiếu một số hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất.

Ngoài ra, việc đăng ký cấp giấy chứng nhận cho xe vận chuyển theo luồng xanh còn khó khăn, chưa kịp thời; nhiều chốt kiểm tra chưa có làn ưu tiên cho xe luồng xanh nên mất nhiều thời gian cho việc khai báo, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa đặc biệt là hàng hóa tươi sống.
 
Để đảm bảo phục vụ kịp thời người tiêu dùng, duy trì sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo cơ quan chức năng các cấp song song với việc kiểm soát phòng chống dịch, cần điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như: giống, nguyên liệu sản xuất; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy - hải sản, rau, củ quả,... 
 
Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng cho rằng, quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây rất nhiều khó khăn, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất..
 
Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện các Bộ ngành cơ bản đều thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho xe vận chuyển hàng hoá đi vào luồng xanh trong tình hình dịch Covid-19. Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận tiện cho xe chở hàng hoá lưu thông vào luồng xanh, tránh tình trạng mỗi nơi quy định mỗi kiểu, gây ách tắc lưu thông hàng hoá.

Ô tô chở hàng từ Hà Nội đi tỉnh ngoài cần thủ tục gì?

Ô tô chở hàng từ Hà Nội đi tỉnh ngoài cần thủ tục gì?

Một bạn đọc hỏi: Xe của tôi chở hàng phục vụ sản xuất kinh doanh từ Hà Nội đi Hải Dương cần giấy tờ gì? Lái xe phụ xe đều có xét nghiệm PCR âm tính thì có cần phải xin cấp mã QR code phân luồng xanh không?

Vũ Điệp