- Trao đổi với báo giới ngày 21/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: Campuchia và Lào đã thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thiết lập đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM qua không phận của hai nước.

Sau buổi làm việc của Bộ trưởng Thăng hôm 21/8 với Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia, hai bên đã nhất trí tạo thuận lợi cho việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua không phận Campuchia, đồng thời  giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai.

{keywords}
  Việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM (màu vàng) sẽ giảm thời gian và chi phí cho chuyến bay.

 

Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các hãng hàng không của Việt Nam và Campuchia mở các đường bay mới giữa hai nước trong thời gian tới như Vietnam Airlines mở đường bay Phú Quốc - Siem Reap, VietJet Air mở các đường bay Hà Nội/TP.HCM - Siem Reap và TP.HCM - Phnôm Pênh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đường bay thẳng qua Lào, Campuchia sẽ rút ngắn hành trình bay từ Hà Nội - TP.HCM, tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho các hãng hàng không.

“Để giảm thời gian bay và đem lại hiệu quả cao thì đường bay phải ngắn nhất chứ không thể như hiện nay”, Bộ trưởng Thăng cho biết.  

Trước đó, Việt Nam và Lào cũng đã thống nhất về nguyên tắc việc mở đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua Lào.

Xung quanh về Đề án đường bay thẳng  Hà Nội - TP.HCM, Bộ GTVT đã giao Cục hàng không hoàn thiện, sẽ trình Chính phủ phê duyệt.

“Đề án đường bay thẳng Hà Nội – TP.HCM phải được xây dựng thật cụ thể và trình Chính phủ xem xét thông qua”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

"Đường bay thẳng" Hà Nội - TP HCM đã được TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), đề xuất vào năm 2012. Theo ông Bá, đường bay Hà Nội - TP HCM hiện nay là bay vòng, có khoảng cách dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia, đang lãng phí 26 phút với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chí phí sản xuất.

Ông Bá tính toán, đường bay vòng đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ. Để các hãng hàng không có lãi thì phải tiết kiệm, giảm giá vé cho dân và thiết lập các đường bay thẳng.

Tuy nhiên, thời điểm năm 2012, Cục Hàng không đã trả lời các tính toán của ông Trần Đình Bá là thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học.

Vũ Điệp