- Sở GTVT TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có đề xuất xây 2 cầu vượt.

Nhiều năm qua, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và đường vào cảng Cát Lái là 2 khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, việc đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

{keywords}

Đường ra sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Chưa kể nếu xảy ra va quẹt hay tai nạn thì giao thông qua 2 khu vực này kẹt cứng, dòng người nối dài nhiều km.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói, ai đi ra sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc cao điểm như chiều thứ 6 thì rất khổ sở, thậm chí là stress bởi “kẹt quá trời, kéo dài”. Với đường ra cảng Cát Lái, kẹt từ 6h chiều tới nửa đêm, dân phải tìm đường hẻm để đi.

Ông Phong đề nghị Giám đốc (GĐ) sở GTVT Bùi Xuân Cường cần phải quyết liệt tìm giải pháp.

“Cứ để kẹt kéo dài thì dân không đồng tình, sẽ phê bình vì vấn đề này xảy ra lâu rồi. Dân lại nghĩ ủy ban lại không biết” – Chủ tịch TP khẳng định.

{keywords}

Số lượng xe tải tăng nhanh, lượng hàng lớn khiến đường ra cảng Cát Lái cũng bị ắc tách.

Theo GĐ sở GTVT Bùi Xuân Cường, phía ngoài khu vực sân bay đã có quy hoạch bài bản. Cụ thể có 2 tuyến đường sắt đô thị trung chuyển: tuyến số 4, số 5 và tuyến số 4b nối tuyến số 4-5. Thêm vào đó là hệ thống tuyến đường sắt trên cao số 1 chạy dọc đường Cộng Hòa nối khu vực sân bay và đi ra cầu Thủ Thiêm.

Thời gian qua đã có một số công trình hạ tầng giao thông đường bộ đã hoàn thành như mở rộng và nâng cấp đường Trường Sơn, cầu vượt đường Cộng Hòa, cầu thép khu vực Lăng Cha Cả…

Tuy nhiên, công suất quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu hành khách/năm nhưng nay đã tăng lên 30 triệu và đang tiếp tục tăng, ít nhất trong 10 năm tới, giao thông ở khu vực đường ra vào sân bay vẫn phức tạp.

Ông Cường cho biết cần phải đánh giá lại tổng thể, bố trí hợp lý việc kết nối hạ tầng toàn bộ khu vực Tân Sơn Nhất trong thời gian chờ sân bay Long Thành hoặc mở thêm đường trên cao, thêm nhà ga mới, thêm điểm trung chuyển khu vực ngã sáu Gò Vấp, đầu tư thêm trục giao thông song song đường Cộng Hòa…

Ngoài ra đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao 1 số đoạn tuyến trong khu vực Bộ quản lý để TP đầu tư kết nối vào sân bay.

Người đứng đầu ngành GTVT TP nhận định, trước mắt là nên xây 2 cầu vượt khu vực cửa ngõ: một cầu vượt chữ Y ngay tại khu vực sân bay để xe đi vào khu quốc tế và khu nội địa không giao cắt dưới mặt đất.

Cầu vượt còn lại nằm ở khu vực đường Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm (trước đây là ngã tư nay thành ngã bảy).

“Thành ủy đã họp với Sở GTVT và thống nhất sẽ bố trí vốn ngân sách làm cầu vượt này. Hiện đang xin Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định thầu 2 dự án cầu vượt này. Nếu được chấp thuận thì dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ xong” – ông Cường nói.

{keywords}

GĐ sở GTVT Bùi Xuân Cường nói về 2 điểm ùn tắc ở TP.HCM.

Tương tự là đường ra cảng Cát Lái, khối lượng hàng hóa qua cảng đã lên đến 43 triệu tấn/năm, trong khi quy hoạch được duyệt chỉ là 36 triệu tấn.

Ông Cường cho biết đang triển khai là đăng ký thủ tục thông quan điện tử qua cảng Cát Lái. Hiện đã thông quan được 15%, đến cuối năm sẽ phấn đấu đạt 100% khối lượng hàng hóa.

Các dự án như nút giao Mỹ Thủy, đường nối từ Mỹ Thủy đến Phú Hữu, cầu Nguyễn Thị Định mở rộng lên 60m và cầu Bình Lợi mới dự kiến tháng 8-2017 sẽ hoàn thành để đưa toàn bộ hàng theo đường thủy trên sông Sài Gòn từ Bình Dương, Tây Ninh về Cát Lái đi theo đường thủy bằng sà lan chứ không đi đường bộ như hiện nay.

Văn Đức