- Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: Việc giữ lại bến xe khách Lương Yên là bất khả kháng. 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: Việc giữ lại bến xe khách Lương Yên là bất khả kháng vì không còn nằm trong quy hoạch. Hơn nữa, phần đất bến xe Lương Yên đã được chuyển giao để xây dựng nhà ở - văn phòng, không thuộc thẩm quyền của Hà Nội.

Là đơn vị chiếm một nửa lượng xe khách phải chuyển khỏi bến xe Lương Yên, ông Vũ Đức Hoàng, Phó giám đốc công ty CP vận tải Hoàng Long cho biết DN vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về việc di dời.

{keywords}
Theo kế hoạch, bến xe khách Lương Yên sẽ được di dời hoàn toàn vào ngày 26/7

Tuy nhiên, qua 2 phương án được Sở GTVT trình thành phố, có thể hiểu phương án di dời từ bến Lương Yên về các bến xe khác là khả thi hơn cả.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận: Phương án chuyển toàn bộ xe từ bến Lương Yên về bến xe Cổ Bi (Gia Lâm) không khả thi vì hiện nay bến này chưa xây dựng. Do vậy chỉ có thể chuyển về các bến xe còn khả năng tiếp nhận.

Ông Linh cũng nói rõ việc điều chuyển xe khách ở bến Lương Yên về các bến xe như thế nào, Hà Nội còn phải họp với Sở GTVT và xin ý kiến Bộ GTVT điều chuyển quy hoạch tuyến.

Ông Vũ Đức Hoàng cho rằng, do thời hạn chấm dứt hoạt động bến xe khách Lương Yên đã được Hà Nội thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là 26/7 tới, vì vậy cơ quan quản lý vận tải cần thông báo kế hoạch di chuyển xe sớm để các DN vận tải thông báo đến hành khách.

Đôn đáo tìm thị trường mới?

Dẫn ví dụ nếu tuyến Hải Phòng được chuyển về bến Yên Nghĩa, ông Hoàng băn khoăn về việc thích nghi với bến bãi mới.

“Hiện tại ở bến Yên Nghĩa đã có nhà xe Anh Huy - Đất Cảng và DN Gia Bảo Linh cùng chạy tuyến Hải Phòng, giờ nếu điều chuyển thêm xe Hoàng Long về đó thì không dễ sắp xếp.

Lý do vì bến xe Yên Nghĩa và bến Lương Yên ở hai đầu thành phố, trong lúc bến xe Yên Nghĩa đã hoạt động “vào guồng” thì việc các nhà xe từ Lương Yên chuyển về sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi địa bàn. Ông Hoàng cũng cho biết không loại trừ tình huống sẽ phải tìm kiếm thị trường ở miền Nam và miền Tây.

Đại diện nhà xe chuyên chạy tuyến Lương Yên - Quảng Ninh cũng cho biết: Xe từ bến Lương Yên chuyển về các bến xe khác sẽ bị lép vế vì không được xếp khung giờ đẹp đón trả khách.

Cần tăng thêm vận tải công cộng

Phó giám đốc công ty Hoàng Long cho rằng, Hà Nội cần tăng cường kết nối vận tải công cộng từ khu trung tâm đến các bến xe để phục vụ người dân đi lại. Nếu không, vô tình sẽ tạo điều kiện cho xe dù hoạt động xung quanh khu vực Lương Yên.

“Người dân khu vực Lương Yên nếu thấy đến bến xe khó khăn, trong khi đi xe dù, xe hợp đồng trá hình thuận tiện chắc chắn sẽ chọn đi xe dù hơn là phải đến bến”, ông Hoàng khẳng định.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng: Hiện nay xe dù hoạt động ai cũng biết nhưng không làm đến nơi đến chốn nên nó vẫn mặc nhiên tồn tại. 

“Tôi đã nghe thông tin nhiều xe cho biết nếu điều chuyển vào bến mới hoạt động không được thì sẽ bỏ bến chạy dù, vừa đỡ tốn kém, vừa đón khách được tận nơi. Có khả năng tuyến đi Lạng Sơn xe 16 chỗ sẽ không vào bến vì về các bến khác không có khách họ sẽ đi '2 mang', vừa đăng ký vào bến, vừa chạy dù ở ngoài”, ông Liên nói.

Vũ Điệp