Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đều là nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng mà vẫn không đủ ăn, anh Hoàng Mạnh Ngọc lúc nào cũng nung nấu ước mơ thoát nghèo cho chính bản thân mình và những người xung quanh có cùng cảnh ngộ.

Từng làm cho đơn vị thi công tuyến đường qua Phja Oắc, Phja Đén (Cao Bằng), anh Ngọc đã phát hiện ra điểm cao nhất của Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) đẹp vô cùng nhưng lại như nàng công chúa bị ngủ quên. Phja Đén được ví như thiên đường, bởi nó nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Du khách đến đây có thể ngắm núi rừng hùng vĩ, với tay bắt lấy nắng vàng và sương mây trắng muốt, thưởng ngoạn nhiều kỳ thú thiên nhiên… 

{keywords}
Anh Hoàng Mạnh Ngọc kể về quá trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên đỉnh đồi Phja Đén. (Ảnh: Bích Ngọc)

Anh Ngọc bảo, 10 năm trước để lên được tới đây là cả vấn đề bởi đường đi rất khó. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp nông nghiệp, anh Ngọc đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì nơi đây chưa được đầu tư nhiều về cơ sở sản xuất, người dân thôn bản chủ yếu dựa vào tự nhiên, có thì khai thác, không thì thôi. Vốn liếng trong tay có giá trị nhất với anh chỉ là niềm tin có thể khai thác được ở Nguyên Bình tiềm năng kinh tế để làm giàu trên cây chè mà chưa ai dám thực hiện.

Khó khăn đầu tiên là vốn đầu tư đã khiến anh cùng các cộng sự không ngừng trăn trở và lo lắng vì với nguy cơ rủi ro cao của nông nghiệp, nhiều ngân hàng thường e ngại cho các doanh nghiệp mới thành lập được vay vốn hoặc nếu có vay thì phải chịu áp lực lãi suất hàng tháng rất cao. 

Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, Hoàng Mạnh Ngọc cùng những người có cùng đam mê làm nông nghiệp đã tự góp được 50% vốn đầu tư để quyết tâm đầu tư sản xuất. 

{keywords}
Đồi chè bát ngát trên mảnh đất từng bị bỏ quên. (Ảnh: Bích Ngọc) 


“Vùng đất 30ha này trước đây là đất trống, đồi núi trọc, chưa từng có sự tác động của con người nên phải vỡ hoang rất vất vả. Nguồn nước không có sẵn mà phải đẩy 7km về. Toàn đường dốc đứng. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải tự thi công đường và kéo một đường dây 3 pha lên để phục vụ điện. Thời điểm chúng tôi bắt đầu làm là mùa đông, thời tiết tương đối lạnh, có băng tuyết. Nhiều đêm phải đốt lửa để làm cho kịp”, anh Ngọc chia sẻ.

Sau nhiều ngày đi điền dã và say mê với chất chè dường như kết tinh sương khói và khoáng chất của vùng rừng núi kỳ ảo này, anh Ngọc đã hiểu và say mê với những đặc sản núi rừng như lá chè xanh đã ngậm hương rừng sắc núi, lúc pha trà thì hương thơm lan tỏa, uống xong thì vị chát vị ngọt còn ngậm mãi ở miệng người thưởng thức. Lần đầu tiên anh cảm nhận được sự tinh tế, vi diệu của vị trà, ấy là khi đắm mình với Phia Đén. Anh đã xúc động thật sự, anh ước ao bảo tồn được hệ thống rừng chè cổ trên đỉnh núi thần tiên kia. Đó là cơ sở để ý tưởng quy hoạch vùng chè mênh mông, làm chè thương phẩm và xuất khẩu ra đời.

Năm 2012, khu nghỉ dưỡng Kolia ra đời song song với việc trồng chè và các mô hình khép kín, như khu nuôi bò, thỏ, ngựa để có nguồn phân ủ dồi dào. Đồng thời, vừa trồng chè, anh Ngọc vừa xây xưởng chế biến, chỗ ở cho công nhân, để chè hái về được chế biến ngay. Trong thời gian đó, anh cũng đào thêm ao nuôi cá và trữ nước suối dẫn về.

Càng khó khăn, càng khiến cho anh Ngọc quyết tâm thoát nghèo cho chính mình và cho bà con thôn bản, anh càng có thêm sức mạnh để tiếp tục chặng đường làm giàu mà mình luôn ấp ủ.

Sau khoảng thời gian trồng chè thử nghiệm thành công, anh bắt đầu phổ biến và kêu gọi người dân trồng chè. Mỗi một vụ chè, anh kiên trì đồng hành cùng người dân bằng cách mời các chuyên gia đến tập huấn về cách thức trồng trọt, cung cấp giống, chuyển giao công nghệ hiện đại và tìm thị trường bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất.

Từ cái tâm của người con miền sơn cước yêu quê hương, Hoàng Mạnh Ngọc càng quyết tâm đưa ra một tuyên ngôn, một cuộc cách mạng nhỏ trong trồng và chế biến chè Kolia để không chỉ làm kinh tế, cây chè còn cõng cả văn hoá về bản. 

Bài 2: Người đàn ông 'cõng' chè, 'cõng' cả văn hoá về bản 

Bài: Lê Thanh Hùng - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV