"Tăng trưởng bao trùm" là một trong 4 ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho hợp tác APEC 2017.

Cần một chiến lược chung

Theo các nhà quan sát, thách thức lớn nhất đối với việc thúc đẩy phát triển bao trùm trong APEC là các vấn đề từ việc làm, thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cho đến an sinh xã hội, bình đẳng, chúng ta có quá nhiều vấn đề để xử lý (để từ đó đạt được sự phát triển bao trùm). Trong khi đó, những vấn đề này không phải tất cả đều cùng chiều, không đánh đổi, mâu thuẫn với quá trình tăng trưởng, phát triển. Ứng xử về mặt chính sách sao cho vẫn giữ được tăng trưởng là một thách thức.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác sẽ nảy sinh trong tương lai, điển hình là cuộc cách mạng công nghệ và tác động xã hội của nó. Để ứng phó với các thách thức này, vai trò của nhà nước là quan trọng, trong khi không phải nước nào cũng có một nguồn lực tốt.

Trong thực thế, tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bản thân tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng. Thực tiễn khu vực cho thấy, chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá mà không biết ai sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng đó bền vững thế nào về xã hội, kinh tế và tài chính. Do đó, tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm.

{keywords}
Điều tra của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, số người đói nghèo ở khu vực APEC đã giảm từ 204 triệu người năm 2005 xuống còn 185 triệu người năm 2015.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, nhiệm vụ của các chính phủ không chỉ là hỗ trợ những người nghèo thoát nghèo mà còn cần bảo đảm rằng, những người ở trên ngưỡng nghèo đói sẽ không rơi lại vào tình trạng đói nghèo. Để APEC phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới, APEC, đặc biệt các nền kinh tế mới nổi trong APEC, cần tạo thêm nhiều việc làm có năng suất cao và thỏa đáng, cần tăng cường đầu tư vào đào tạo nghề, giáo dục bậc cao, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy bình đẳng giới và tham gia của phụ nữ vào kinh tế, bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được tham gia vào phát triển và hưởng các lợi ích của phát triển…

Theo ghi nhận của báo chí, thời gian qua, Phát triển bao trùm đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nền kinh tế thành viên APEC và thế giới. Trong các chương trình nghị sự gần đây đều nhắc đến phát triển bao trùm bởi quá trình toàn cầu hóa kéo theo tình trạng bất cân bằng khi một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, chưa theo kịp sự phát triển nếu không muốn nói là tụt hậu.

Chính vì thế điều cần nhất hiện này là một chiến lược chung để thu hút sự tham gia của các tầng lớp xã hội, các loại hình doanh nghiệp và toàn dân vào trong phát triển. Bởi khi mọi người tham gia, thành quả sẽ được chia sẻ đều.

Sáng kiến quan trọng của Việt Nam

Năm nay, các nền kinh tế, đặc biệt là Việt Nam, đưa ra các khu vực hành động để phát triển bao trùm kinh tế, hành chính và xã hội. Đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam khi nó vừa thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của các nền kinh tế và đáp ứng được kỳ vọng chung của các nền kinh tế khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 lần thứ ba (SOM 3), tại Hội thảo bàn về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC, các chuyên gia cho rằng, các yếu tố mang tính quyết định đối với phát triển bao trùm gồm: bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tăng lương, tạo thêm việc làm; tăng cường phối hợp chính sách ở tầm quốc tế và giữa các tổ chức đa phương trong lĩnh vực tăng trưởng bao trùm…

{keywords}

Tại Hội thảo bàn về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cũng nêu rõ, trong khi APEC đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm, thì những gì APEC đã làm được vẫn còn cách xa mong đợi của người dân.

“APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau. Cần chú trọng đồng đều cả ba trụ cột của bao trùm: kinh tế, tài chính và xã hội. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu hai trụ cột kia không theo kịp. Ngược lại, nếu hiệu quả của một trụ cột được nâng cao sẽ tác động thuận đến hai trụ cột còn lại.

Theo đó, APEC cần có cách tiếp cận chiến lược và toàn diện. Với việc hình thành một Chương trình hành động APEC toàn diện trên cả ba trụ cột, APEC sẽ có thể xác định được những giải pháp liên ngành nhằm giải quyết vấn đề bao trùm một cách hiệu quả thông qua phối hợp chặt chẽ hơn nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, nâng cao năng lực thể chế và pháp lý tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển bao trùm cũng như đề xuất các biện pháp để quản lý quá trình chuyển đổi”, ông Sơn phát biểu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng hơn cả là làm sao đưa vào triển khai hành động tốt hơn gắn với tiến trình APEC đang bàn và sẽ đưa ra khuôn khổ thực thi tiến trình này. Chỉ còn hơn một tuần nữa Diễn đàn cấp cao APEC sẽ nhóm họp tại Đà Nẵng, Việt Nam. Lúc này, các chuyên gia đang kỳ vọng sáng kiến “tăng trưởng bao trùm” của Việt Nam sẽ được các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên ghi nhận, trở thành chương trình nghị sự mang tính hành động để APEC triển khai, mang lại sự phát triển đồng đều hơn cho tất cả các nền kinh tế thành viên APEC.

Bích Vân