Khi Tổng thống Mỹ Obama chuẩn bị ký tiếp lệnh trừng phạt mới chống lại Nga cũng như hỗ trợ quân sự cho Ukraina, thì Nga tỏ rõ những dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng đáp trả.

{keywords}
Ảnh: nbcnews

Báo chí quốc tế đưa tin, Kremlin khẳng định, động thái mới nhất của Washington nhằm gia tăng áp lực với Nga là không cần thiết và vô ích.

Và để nhấn mạnh rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đáp trả khi lợi ích và an ninh quốc gia của nước ông bị đe dọa, các báo chỉ ra 3 dấu hiệu dưới đây:

Mua sắm vũ khí

Trong vài tháng gần đây, báo chí tập trung vào việc Nga tăng tốc mở rộng quân sự và thực tế đã giành được lợi thế chiến thuật với Mỹ trong khả năng chiến tranh hạt nhân. Một số nhà phân tích e ngại rằng, nếu chiến tranh xảy ra giữa Nga và Mỹ thì Nga có thể chiến thắng.

Hiện tại, ngay cả khi nhận thức được lợi thế về hạt nhân, Moscow vẫn tiếp tục gia tăng mua sắm và tích trữ vũ khí. Theo CNN, họ dự kiến dành 700 tỉ USD để nâng cấp khí tài quân sự hoàn tất vào năm 2025.

Nga hiện là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ ba thế giới và không ngừng xây dựng sân bay, chế tạo máy bay chiến đấu, xe tăng. CNN cũng đề cập rằng, vào năm 2020, hải quân Nga sẽ được cung cấp nhiều tàu chiến, tàu ngầm mới nhằm tăng cường khả năng phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

Hãng này còn cho biết, Nga đang gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức ít nhất 20% trong khi hầu hết các nước, trong đó có Mỹ thì cắt giảm.

Vũ khí hạt nhân ở Crưm

Theo Thời báo Los Angeles, tháng 3 năm nay, Moscow sáp nhập Crưm. Tuần này, Kremlin tuyên bố thêm rằng, việc đặt vũ khí hạt nhân ở Crưm là "phù hợp với luật pháp quốc tế".

Trong khi Nga không xác nhận Crưm đã có vũ khí hạt nhân hay chưa, nhưng tuyên bố đưa ra cho thấy Moscow sẵn sàng sử dụng chúng khi bị Mỹ và NATO dồn tới bước đường cùng.

Tăng áp lực với Ukraina

Theo Nhật báo phố Wall, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nhắc nhở Kiev rằng, họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn tài chính khi có kế hoạch thắt chặt quan hệ với EU; rằng mối quan hệ gần gũi giữa Ukraina với EU sẽ dẫn tới việc hàng hóa Ukraina bị đánh thuế cao hơn khi vào Nga.

Và Kiev cũng có thể bị Nga cắt hoàn toàn viện trợ tài chính nếu chính phủ Ukraina theo đuổi kế hoạch giao thương gần gũi hơn với các nước châu Âu.

Thái An (theo Ibtimes)