Chương trình OCOP được phê duyệt sẽ là tiền đề, “bà đỡ” quan trọng nâng cao nhận thức trong sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm địa phương. Hơn một năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020.

Mục tiêu của OCOP là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện nhằm chắp cánh cho các sản phẩm đó đến rộng rãi với người tiêu dùng hơn, có sức sống bền vững hơn, người sản xuất có thu nhập cao hơn. 

{keywords}
Hái chè vằng ở Huyện Nghi Lộc, Nghệ An - Hình minh họa

Nghệ An hiện nay mới bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, mục đích của OCOP là các sản phẩm được chuẩn hóa quy trình sản xuất, đề cao các giá trị truyền thống, đặc định địa phương gắn liền với mỗi sản phẩm. Như tên gọi của nó, OCOP tập trung vào các sản phẩm nhỏ, giúp sức cho các địa bàn xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho người dân.

Từ năm 2008 - 2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã công nhận thêm 104 làng nghề, đưa tổng số làng nghề đến cuối năm 2019 lên 158 làng nghề; gồm 10 nhóm nghề sau: Nghề mây, tre đan có 46 làng; Nghề chế biến lương thực, thực phẩm có 29 làng; Nghề sản xuất chổi đót, chiếu cói, giấy dó có 10 làng; Nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ, đóng tàu thuyền, trống có 23 làng; Nghề chế biến hải sản có 10 làng; Nghề dâu tằm tơ, móc sợi, dệt thổ cẩm có 18 làng; Nghề chẻ chu hương, sản xuất hương có 12 làng; Nghề sản xuất gạch, ngói có 3 làng; Nghề cơ khí có 1 làng;  Nghề trồng cây cảnh có 7 làng. Thu nhập làng nghề nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm.

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” ở Nghệ An sẽ có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nhằm khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm, đặc sản của địa phương bao gồm cả nông, lâm, hải sản, sản phẩm du lịch lợi thế... làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, từ đó người dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định.

Mục tiêu của OCOP Nghệ An, theo ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đó là xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có (tương đương khoảng 90 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.

{keywords}
Thanh niên Huyện Tương Dương, Nghệ An trồng cây ăn quả - Hình minh họa

Theo đó, Nghệ An sẽ phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu). Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP. Phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP (ưu tiên HTX, công ty cổ phần).

Ngoài ra còn đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã) và lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Nghệ An hiện có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm có 121 sản phẩm; Nhóm đồ uống có 15 sản phẩm; Nhóm thảo dược có 13 sản phẩm; Nhóm vải và may mặc có 11 sản phẩm; Nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 16 sản phẩm; Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 6 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 49 sản phẩm có đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 26,9% tổng số sản phẩm hiện có; Có 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 17,6% tổng số sản phẩm hiện có.

Tuấn Anh