Dự án Vận dụng kinh nghiệm quản lý cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của chủ thể cộng đồng địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Dự án nói trên do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chủ trì dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ, vừa được Bộ NN-PTNT tổng kết trong hội thảo tại Vĩnh Phúc.

{keywords}

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Trung ương, Giám đốc Dự án phát biểu tại hội thảo.

Dự án có tổng vốn 4,3 tỷ đồng, trong đó vốn không hoàn lại từ Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC) là 3,87 tỷ đồng. Mục tiêu dự án kéo dài từ tháng 2 - 11/2016 nhằm trao quyền chủ thể cho cộng đồng được tham gia thực sự trong quá trình phát triển nông thôn đúng vai trò chủ sở hữu, đảm bảo quá trình, kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) có tính toàn diện, công bằng dựa vào cộng đồng, tăng cường sự gắn kết cộng đồng cũng như gắn kết xã hội.

Ông Nguyễn Minh Tiến- Chánh Văn phòng điều phối Trung ương, Giám đốc Dự án cho rằng: Dự án Vận dụng kinh nghiệm quản lý cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của chủ thể cộng đồng địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Dự án đã có những tác động tích cực trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ các nguồn lực đầu tư... và đặc biệt nâng cao vị thế của người dân cũng như chính quyền địa phương trong việc triển khai, giám sát và vận hành các công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

{keywords}

Toàn cảnh hội thảo.

Bên cạnh đó, Dự án đã tích cực tạo ra sự gắn kết xã hội trong cộng đồng nông thôn, đưa đến nhiều sáng kiến của người dân cho phát triển nông thôn cũng như tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và người dân nông thôn; minh bạch hóa các nội dung, quy trình triển khai chương trình.

Những kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình thí điểm quỹ xây dựng nông thôn mới tại 4 thôn của 2 xã thuộc huyện Lâm Hà và huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho thấy các cộng đồng nông thôn có thể giảm chi phí xây dựng khoảng 35% - 40% trong khi vẫn đạt được hoặc thậm chí nâng cao chất lượng các công trình xây dựng.

Bằng cách đóng góp ý kiến, công lao động, người dân nông thôn đã nhiệt tình tham gia và ý thức được quyền sở hữu và làm chủ thực sự những công trình cơ sở hạ tầng, từ đó đem lại hiệu quả sử dụng tốt hơn cùng với việc bảo trì, bảo dưỡng các công trình thường xuyên.

“Đây là thời điểm phù hợp để thể chế hóa và áp dụng phương thức quản lý cộng đồng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Steven Geiger, Giám đốc chương trình SDC tại Việt Nam nhận định.

Dự án Vận dụng kinh nghiệm quản lý cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được xây dựng trên 3 hợp phần gồm: Xây dựng, biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và phê duyệt để áp dụng trên cả nước theo nguyên tắc phát huy quyền chủ thể của cộng động; nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng nông thôn mới, nhất là cán bộ cơ sở ở các tỉnh thuộc phạm vi của dự án để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng cơ chế, chính sách về thí điểm lập và sử dụng Quỹ xây dựng nông thôn mới để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Ngay từ tháng 3/2016, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đã thành lập Tổ chuyên gia đánh giá, lựa chọn chuyên gia tư vấn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu.

Tổ chuyên gia đã phối hợp với BQL DA để rà soát, phân tích các chính sách quy định hiện hành của Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM; cũng như các bài học kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới.

Trên cơ sở này, tổ chuyên gia đã xây dựng, hướng dẫn lập kế hoạch và quản lý tài chính có sự tham gia của người dân; quản lý, giám sát và đánh giá dựa trên kết quả; xây dựng hướng dẫn phát triển cơ sở hạ tầng và bảo dưỡng các công trình này.

Để từng bước đánh giá chính sách trên thực tế, dự án cũng đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lâm Đồng, Trà Vinh… để đánh giá những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, sẽ thu thập nhu cầu và ý kiến đóng góp của những người trực tiếp tham gia để có điều chỉnh kịp thời và hợp lý.

Bộ tài liệu này sẽ hướng dẫn chi tiết từ khâu lập kế hoạch và quản lý tài chính, giám sát và đánh giá dựa trên kết quả, phát triển SX, nâng cao thu nhập, vận hành và bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng.

Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thái Linh