- Vụ việc diễn ra đúng vào ngày 5/9/2013 - ngày cơn lũ quét bất ngờ ập xuống cánh rừng thuộc địa bàn xã Minh Lương, huyện Văn Bàn (Lào Cai), vùi lấp những lán trại dã chiến khai thác vàng trái phép.

Hàng chục phu vàng bị cuốn phăng theo con nước dữ, bị đất đá vùi lấp. Có người, may mắn được tìm thấy thi thể - dù không nguyên vẹn; có người, mãi mãi nằm sâu trong lòng đất.

Những chuyến xe vùn vụt lao đi trong đêm, chở những thi thể không nguyên vẹn về quê hương an táng. Tất cả đều vội vã.

{keywords}
Khu vực bãi vàng nhìn từ xa

Xã báo cáo lên huyện. Huyện hỏa tốc thông báo lên tỉnh. Tỉnh thông báo lên Trung ương với một dòng thông tin ngắn ngủi: 2 người chết, 12 người bị thương.

Và, cho đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng và bị thương trong cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn đã được 'đóng đinh' bởi những con số 'ma quái' đó.

Nhưng, có một thực tế là: Số người bị thiệt mạng trong vụ lở núi này lớn hơn nhiều! Con số cụ thể là bao nhiêu, chỉ có những bưởng vàng và chính quyền Lào Cai biết được.

Dường như những người nơi đây từ xã cho đến huyện và tỉnh Lào Cai đang cố gắng bưng bít thông tin này. Mạng phu vàng vì vậy, bọt bèo như cuộc đời của những con người ngày tháng đu mình nơi chốn thâm sơn cùng cốc đầy rẫy những hiểm nguy.

Đi tìm sự thật

Chúng tôi tìm đến trụ sở xã Minh Lương khi đã xế trưa. Cái nắng gắt, oi nồng của những ngày sau mưa lũ cộng với hành trình hơn 300km di chuyển liên tục khiến tất cả rã rời.

Ngay sau khi sự việc xảy ra: TTXVN đã đưa tin: “Trưa 5/9, một vụ sạt lở núi đã xảy ra tại khu khai thác vàng trái phép Rừng Vầu, Rừng Xanh thuộc xã Minh Lương, chôn vùi hàng chục người đang dựng lán khai thác vàng trái phép tại đây. 

Ông chủ tịch xã Minh Lương - Hoàng Văn Siến nhìn cánh phóng viên với ánh mắt dè dặt. Hỏi về trận lũ quét kinh hoàng vừa xảy ra, ông chỉ đưa ra một thông tin khô khan đã được “lập trình” sẵn: 2 người chết và 7 hay 8 người bị thương gì đó.

Ngỏ ý muốn nhờ đích thân chủ tịch xã dẫn anh em phóng viên ra tận hiện trường vụ sạt lở, ông lắc đầu nguầy nguậy: “Các anh cứ đi khoảng 4km rồi hỏi. Tôi bận, các cán bộ cũng đều bận, không ai có thể đi cùng các anh được.

Mà cái vụ việc này có gì đâu, toàn những người đưa thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến địa phương” - vừa nói, vị chủ tịch xã vừa cúi gằm mặt xuống đống tài liệu, trong đó có báo cáo về việc công an huyện Văn Bàn “sờ gáy” một người dân trên địa bàn vì dám đưa thông tin về hàng chục phu vàng thiệt mạng lên mạng xã hội.

{keywords}
Đường lên khu vực sạt lở

Ghé vào một quán tạp hóa nhỏ ven đường, người phụ nữ tên Thắm khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, đã không ngần ngại kể hết những gì mà mình chứng kiến. Trước khi vào câu chuyện, Thắm chạy ra cửa, mắt dáo dác nhìn tứ phía.

Thắm kể, ngày 4/9, mưa to lắm. Như thể ông trời đang nổi giận ai đó. Mưa như ném đá, sấm chớp rạch trời xé toang những đám mây đen kịt, gió hú từng đợt liên hồi.

Vừa chạy ra đóng cửa để cất những gói bánh kẹo bám đầy bụi đất vào thùng, đã thấy nước từ miền thượng nguồn ùng ục chảy về, mấp mé cây cầu bắc qua suối. Một lúc sau, lấy dây ra buộc lại cái rèm cửa, cây cầu đã bị nước nuốt chửng. Nhà chị như bị chia cắt bởi cơn đại hồng thủy.

{keywords}
Cáng khiêng nạn nhân còn vứt lại

Đêm, nước ào ào tràn vào nhà. Chị gọi với chồng mình đưa mấy tấm ván ra chắn trước cửa để không cho bùn và xác động vật chết tràn vào nhà.

Xong, chị bảo chồng bế 2 đứa con nhỏ lên nhà hàng xóm phía trên để phòng lũ quét đến bất ngờ, cuốn tung cửa hàng tạp hóa.

Núi sập, thi thể phu vàng chất đầy núi

Khoảng hơn 12 giờ, chị nghe một tiếng động vang lớn. Dường như cả quả núi đã đổ xuống. Nhìn ra ngoài trời, chỉ nghe thấy tiếng gió hú và tiếng thác đổ ngược từ đỉnh núi.

{keywords}
Lều lán bị trôi xuống khe núi

Chị chợt rùng mình khi nghĩ đến việc quả đồi tại khu vực rừng Vầu, rừng Xanh bị dòng nước hung dữ cuốn phăng. Lúc sáng, khi trời còn mưa lâm thâm, có mấy người dân bản địa còn ghé qua quán tạp hóa của Thắm, mua vội mấy phong lương khô để gùi thuê lương thực lên cho các phu vàng trên khu vực rừng Xanh. Nghĩ đến thế, chị bỗng rùng mình.

Sáng sớm 5/9, chị Thắm bị đánh thức bởi tiếng í ới gọi người, tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch. Chị nghe dân bản nói rằng: đêm qua, cả quả núi ở khu vực rừng Xanh, rừng Vầu đổ ập xuống.

Hàng chục phu vàng đã bị cuốn phăng, vùi lấp trong đống đổ nát. Dõi mắt về cánh rừng đã bị cạo trọc, vằn vện loang lổ, chị Thắm thấy mõm núi bị sạt xuống như một nhát chém ngang.

Chưa kịp định thần, chị đã thấy đoàn người hối hả dùng cáng để vận chuyển những người bị thương và thiệt mạng xuống.

{keywords}

“Cả quả đồi trọc trước mặt nhà tôi hôm sau la liệt xác chết. Thi thể những nạn nhân bị chết vừa được tìm thấy được vận chuyển đến đây, chờ tắm rửa sạch sẽ để vận chuyển về quê. Cả một quả đồi nghi ngút khói hương.

Những người bị thương được vận chuyển bằng cáng ra trung tâm y tế của xã để cứu chữa. Nặng hơn nữa thì được đưa thẳng ra bệnh viện huyện Văn Bàn” - chị Thắm vừa kể, vừa khoát tay lên quả đồi trọc ngay trước nhà mình.

Cũng theo chị Thắm, cả ngày hôm sau, hàng trăm người được huy động, cắt rừng, theo con đường mòn dẫn lên khu vực sạt lở để tìm kiếm những nạn nhân xấu số. Ban đêm, đèn pin được thắp sáng từ khu vực đỉnh đồi khu vực sạt lở đến chỗ để xác các phu vàng.

Tối hôm sau, có 2 chiếc xe lạ biển số Thái Nguyên được huy động đến để chở thi thể các phu vàng. Tất cả đều diễn ra trong đêm. Vội vàng. Lặng lẽ. Những phu vàng may mắn sống sót cố gắng dùng chút sức tàn để bới tìm thi thể nạn nhân xấu số.

Sau ngày hôm đấy, người dân sống xung quanh đây chẳng ai dám lên khu đồi trọc mà hàng ngày họ vẫn thả trâu. Những người dân làng gánh thuê thức ăn, thực phẩm cho các bưởng vàng cũng tránh quả “đồi chết” này.

Mấy ngày sau đó, khu vực để xác các nạn nhân bốc lên mùi tanh ngòm, vàng mã, áo quần bảo hộ của những phu vàng đoản mệnh vứt la liệt trên đỉnh đồi trọc.

Bà Lò Thị D. (65 tuổi) - người dân sống ngay cạnh quả đồi trọc cho biết: “Vụ sạt lở hôm đó làm chết nhiều người lắm. Không đếm được hết nhưng cứ thấy từng tốp người khênh thi thể đi xuống dưới núi rồi họ tập kết thành hàng dài, người dân ra xem nhiều lắm”.

Sau hôm đó, bà D. phải làm ngay một cái hàng rào tạm để không cho vận chuyển thi thể đi ngang nhà mình. Bà còn bảo: Đêm đến, có mấy phu vàng ghé qua nhà tôi ngủ tạm. Họ kể rằng có nhiều người bị vùi lấp và bỏ mạng trong ngày 4 và đêm 5/9.

Quá trưa, một người đàn ông xuất hiện tại quán tập hóa chị Thắm. Nghe câu chuyện của chúng tôi, người đàn ông tên Mã Văn Sánh đã tình nguyện đưa chúng tôi tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.

Trước khi đi, người đàn ông ngoại tứ tuần này thở dài: “Đời phu vàng bạc lắm. Trong số những người thiệt mạng, có cả những người mới hơn 16 tuổi. Vì kinh tế khó khăn nên bỏ quê, tìm đến chốn thâm sơn cùng cốc để làm thuê. Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt, chưa kịp mang tiền về giúp đỡ gia đình thì đã bỏ mạng”.

“Chẳng hiểu vì sao mà chính quyền lại muốn giấu nhẹm thông tin này, mặc dù nó là sự thật mười mười. Mạng người, chứ có phải mạng con kiến, ngọn cỏ đâu mà muốn giấu là giấu?” - anh Sánh vừa hỏi, vừa với tay lấy thêm cái mũ cối để tôi vượt rừng vào nơi đã chôn vùi hàng chục phu vàng xấu số.

Tôi, và đồng nghiệp, đều không thể trả lời câu hỏi của anh Sánh. Và các phu vàng xấu số vùi tuổi đời dưới khối đất đá khổng lồ cũng không thể lý giải nổi.

Lẽ nào, sự thật này bị chôn vùi theo những thân xác không vẹn nguyên của các phu vàng?

Theo ông Hoàng Minh Loan, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn, đến 16 giờ ngày 5/9 đã có 7 người bị thương được đưa tới điều trị tại bệnh viện huyện, 5 người điều trị tại trạm xá xã Minh Lương, chủ yếu là nam giới tuổi từ 16 đến 40.

Trong đó có những người quê gốc Thái Nguyên, Hòa Bình và các tỉnh lân cận. Theo người dân địa phương, thời điểm trước khi sạt lở núi có rất đông người đang tụ tập khoét núi đào vàng tại đây.

Báo Hòa Bình ngày 9/9 đưa tin: “Đến thời điểm này, ở 3 xã Tân Lập, Tuân Đạo và Quý Hòa đã xác định có 8 nạn nhân bị chết trong vụ sạt lở núi xảy ra vào trưa ngày 5/9 tại khu khai thác vàng trái phép Rừng Vầu, Rừng Xanh thuộc xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Các nạn nhân gồm: Bùi Văn Chẻm (SN 1960), Bùi Văn Khánh (SN 1995) trú tại xóm Chạo, Bùi Văn Viên (SN 1968), Bùi Anh Tú (SN 1995) trú tại xóm Mọi, Bùi Văn Ai (SN 1981) trú tại xóm Khụ, xã Tuân Đạo; Bùi Văn Rúc (SN 1958) trú tại xóm Củ, xã Quý Hòa; Bùi Văn Biền (SN 1991) trú tại xóm Mòi 1, Bùi Văn Rự (SN 1986) trú tại xóm Mòi 3, xã Tân Lập.


Hoàng Sang

(còn nữa)...