- Khi TƯ quyết định chuyển BCĐ phòng chống tham nhũng sang mô hình mới, Tổng bí thư đã nhắc đây không phải “cây đũa thần”. Nhưng người dân có quyền đòi hỏi BCĐ mới khắc phục những bất cập cố hữu.

Bộ Chính trị đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo trung ương về PCTN theo mô hình một ban chỉ đạo (BCĐ) của Đảng, do Tổng bí thư đứng đầu, đồng thời ra quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thiết chế mới này. Và hôm nay, 4/2, BCĐ sẽ có phiên họp đầu tiên, vừa để ra mắt quốc dân đồng bào, vừa để phân công nhiệm vụ cho các thành viên, lên chương trình công tác cả năm. Để bước khởi động có kết quả tốt, thiết nghĩ cần nhìn lại một vài điểm đáng chú ý.

Giống như rất nhiều cơ cấu kiêm nhiệm khác, cho dù là nằm bên bộ máy nhà nước, hay thuộc hệ thống của Đảng, các BCĐ về PCTN dù ở trung ương, hay địa phương đều có một nhược điểm cố hữu: càng kiêm nhiệm, trách nhiệm càng mờ nhạt.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng

Biểu hiện dễ nhận thấy là hoạt động của các BCĐ thường chỉ được nhận biết qua phát biểu, chỉ đạo của vị trưởng ban, hoặc phó ban thường trực. Công việc thường xuyên hơn thường được nhận diện qua hoạt động của cơ quan thường trực, hoặc cơ quan tham mưu, giúp việc cho BCĐ.

Trong trường hợp BCĐ về PCTN, cái mà người dân dễ cảm nhận nhất là thông tin từ các kỳ họp mỗi năm bốn lần, và hoạt động của Văn phòng BCĐ.

Vậy còn hoạt động của các vị ủy viên kiêm nhiệm? Có thể trả lời ngay: Rất ít!

Vì kiêm nhiệm, nên công việc chính của họ thường gắn với chức danh chính mà họ đang nắm giữ. Như mô hình BCĐ cũ chẳng hạn, những lãnh đạo bộ, ngành kiêm nhiệm thì hầu hết thời gian biểu là dành cho bộ, ngành mình. Còn ở cương vị ủy viên BCĐ trung ương về PCTN, có lẽ cử tri chỉ thấy các ông qua vài phát biểu trong mấy phiên họp thường kỳ, hoặc thỉnh thoảng qua một vài cuộc kiểm tra - mà nội dung PCTN chỉ là phần ăn theo cuộc công cán chính của lãnh đạo bộ, ngành kiêm ủy viên kia.

Mà thấy được đã là tốt. Thực tế các BCĐ về PCTN thời gian qua, thành viên 9-10 người, có những vị rất hiếm khi thực hiện chức trách thành viên cơ quan chỉ đạo về PCTN. Nhiều và phổ biến đến mức báo cáo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về PCTN, lãng phí đã phải thừa nhận - một cách nhẹ nhàng nhất: Hầu hết thành viên công tác kiêm nhiệm, tham gia công việc của BCĐ rất ít. Ở Trung ương, có những vị hai năm liền không làm việc ở BCĐ hoặc không kiểm tra, đôn đốc PCTN được bộ, ngành, địa phương nào.

Gần 9 tháng trước, khi hội nghị Trung ương 5, khóa XI, quyết định chuyển BCĐ trung ương về PCTN sang mô hình mới, Tổng bí thư đã phải nhắc đây không phải “cây đũa thần”. Đa số quần chúng, nhân dân không kỳ vọng quá mức, chắc cũng hiểu điều đấy. Nhưng người dân có quyền đòi hỏi BCĐ mới phải khắc phục những bất cập mang tính cố hữu do cơ cấu, tổ chức của mình.

Từng thành viên BCĐ, không chỉ làm tốt chức trách người đứng đầu tổ chức họ phụ trách, mà còn phải thể hiện rõ ràng nhất, công khai nhất, dễ nhận biết và dễ đánh giá, dễ giám sát nhất chức trách của Ủy viên BCĐ trung ương về PCTN. Và nên chăng, mỗi thành viên BCĐ mới công khai trước dân về sự liêm khiết quyết chống tham nhũng của mình - như gợi ý từ hội nghị sơ kết của BCĐ cũ đúng một năm trước.

Vạn sự khởi đầu nan, sắp sửa bước vào xuân mới, cũng là dịp Đảng 83 tuổi, gửi vài lời ngắn ngủi, hi vọng BCĐ dưới sự dẫn dắt của Tổng bí thư có bước đi đầu tiên khoa học, chính xác, làm điểm tựa cho tập thể lãnh đạo trước muôn vàn khó khăn, thử thách đang đón chờ.

Nghĩa Nhân