- Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Kinh tế TƯ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện NQ TƯ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nội dung vấn đề được Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nêu tại hội nghị công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Ban Kinh tế TƯ và 63 tỉnh ủy, thành ủy diễn ra tại Hà Nội sáng nay 15/1.

Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế TƯ đã thực hiện tham mưu phục vụ cho Ban Chấp hành TƯ mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.

{keywords}

Ban đã chủ động, triển khai thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị các đề án, báo cáo quan trọng: Tổng kết 30 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Báo cáo đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; Báo cáo Luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).

Ban Kinh tế Trung ương đã có những đóng góp trong việc xây dựng Dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đặc biệt trong nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và vấn đề hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.  

Công tác tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy đã bám sát vào việc triển khai các chủ trương lớn của TƯ về thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đồng thời đẩy mạnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển một số ngành, lĩnh vực đặc thù của địa phương nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụnăm 2015 và những năm tiếp theo, Ban Kinh tế TƯ cần tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện các nội dung của Văn kiện Đại hội XII về kinh tế xã hội.

Đặc biệt là những nội dung lớn như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Ban đi sâu nghiên cứu các thể chế, chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp, Hợp tác xã, mô hình tổ chức cơ quan quản lý chuyên trách đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước; các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ trương, chính sách về liên kết vùng kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, vay ưu đãi và viện trợ nước ngoài. 

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh lưu ý Ban Kinh tế TƯ tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết,chỉ thị,kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ban kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện NQ TƯ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Thông báo Kết luận số 121-TB của Bộ Chính trị về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; NQ TƯ 4 (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”....

Hương Thuỷ