- Trong nhiều cơ quan, không ít người làm việc kém nhưng lại giỏi chiều lãnh đạo. Có người mới phàn nàn rằng, năng lực và bằng cấp cũng không bằng "bằng lòng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH Lê Như Tiến trao đổi.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính 10 năm tới nêu đến năm 2020, lương của công chức sẽ đảm bảo cho họ và gia đình sống ở mức trung bình khá. Theo ông, mục tiêu này có khả thi?

- Quan điểm của tôi là trả lương phải xứng đáng với giá trị lao động.

Tình trạng hiện nay là lương được trả chưa tương xứng. Có hai tình huống xảy ra:

Thứ nhất, phần lớn trường hợp là lương trả cho người lao động còn thấp như nhiều người đã lên tiếng. Thứ hai là vẫn còn một bộ phận mà công sức làm việc bỏ ra chưa xứng đáng với đồng lương nhận về. Có người chỉ làm việc ở mức 15 - 20% hiệu quả. Nghĩa là họ cũng có mặt 8 tiếng ở cơ quan nhưng chỉ làm những công việc cần tới 1 - 2 tiếng là xong.

  Ông Lê Như Tiến: Trước khi cải cách tiền lương, phải xem lại khâu biên chế và tổ chức. Ảnh: Minh Thăng
Nhìn chung, phải cải cách tiền lương để lương phản ánh đúng hiệu quả và giá trị người lao động. Biện pháp kèm theo là loại khỏi bộ máy những người làm việc chểnh mảng. Thay đổi tư duy trả lương theo bằng cấp thành trả lương theo vị trí và hiệu quả công việc.

Chuyện trả lương theo hiệu quả công việc vốn đã được nói nhiều nhưng chưa thực hiện được là bao. Vậy ông có đề xuất gì?

- Tôi chỉ nêu ví dụ là có những chuyên viên tham mưu phải chuẩn hóa vị trí công việc cho họ. Chẳng hạn, theo quý, theo tháng, họ đã xây dựng được bao nhiêu văn bản phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu được bao nhiêu sáng kiến. Tất cả cần phải lượng hóa và cá nhân hóa công việc. Lãnh đạo giao đích danh công việc và ghi nhận thành quả của từng người.

Không nên duy trì cách làm như lâu nay là tập thể hóa công việc. Lãnh đạo không định ra được đầu việc cụ thể cho từng người mà chỉ đánh giá theo công sức lao động chung. Một việc được giao chung cho cả phòng nhưng thực tế trong cả phòng đó chỉ có một người duy nhất thực hiện công việc đó, những người khác không cần làm gì. Kết quả là thiệt thòi.

Ai làm việc tốt thì sếp sẽ thường xuyên giao việc và họ phải làm nhiều việc hơn những người còn lại.

Trong khi đó, tiền lương không được định giá theo công việc mà vẫn theo bằng cấp, số năm công tác. Thậm chí, thâm niên càng cao, lương càng tăng trong khi công sức bỏ ra chưa chắc đã bằng người khác.

Loại bỏ sản phẩm thừa

Về lâu dài, nếu không khắc phục tình trạng này sẽ kéo theo những hệ lụy gì, thưa ông?

- Người ta sẽ chán nản. Lương là một trong các động lực để thúc đẩy người ta phải làm việc. Nhưng cứ nhìn thực tế ở nhiều cơ quan, người không được việc thì ngồi chơi, người làm tốt thì bị giao thêm nhiều việc. Và dù có làm nhiều đến mấy, nhưng vì không phải con ông cháu cha, không cánh hẩu với các sếp nên chế độ đãi ngộ vẫn không cải thiện, thậm chí còn không bằng người khác. Đó là một sự bất công.

Nếu động lực về lương không được kích hoạt thì người lao động sẽ chán nản, trì trệ, hiệu quả lao động kém.

Vừa rồi nhiều công chức nhà nước đã bỏ ra ngoài. Không chỉ vì những nơi đó trả lương cao hơn mà còn do môi trường công tác và thăng tiến là bình đẳng.

Trong khi đó, trong môi trường nhà nước, không ít người làm việc kém nhưng lại giỏi quà cáp, biếu xén, hay chiều chuộng lãnh đạo, biết cách lấy lòng và làm vừa lòng lãnh đạo.

Cho nên nhiều người mới phàn nàn rằng, trong thời buổi hiện nay, năng lực và bằng cấp cũng không bằng "bằng lòng". Đã được sếp "bằng lòng" rồi thì chuyện năng lực, bằng cấp thế nào cũng không cần xét đến.

Nếu những hiện tượng trên vẫn còn được duy trì thì chuyện nâng lương tối thiểu có cải thiện được tình hình không thưa ông?

- Trước khi cải cách tiền lương, phải xem lại khâu biên chế và tổ chức thì cải cách mới đạt hiệu quả đồng bộ. Ví dụ để hoàn thành khối lượng công việc như vậy đáng lẽ chỉ cần ba người là đủ. Nhưng thực tế, phòng ban lại phình ra tới hơn chục người.

Phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy, loại bỏ những người không còn cần cho bộ máy. Những sản phẩm thừa không những không có tác động gì đến quá trình phát triển mà còn cản trở sự phát triển.

Tuy nhiên, việc cắt giảm biên chế vẫn chưa đạt mục tiêu và Bộ trưởng Nội vụ đã nói tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là từ nay đến năm 2014 sẽ cố gắng nâng mức lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu tối thiểu?

- Sáp nhập bộ máy không làm giảm mà còn tăng thêm số lượng người. Do đó, tôi cho rằng Chính phủ phải báo cáo với QH về kết quả giảm đầu mối, sáp nhập. Nêu các hạn chế, khó khăn để QH đánh giá xem xét và ban hành nghị quyết sau mấy năm thực hiện.

Trước mắt, trong tình hình ngân sách hạn hẹp và nền kinh tế còn khó khăn thì việc trả lương tối thiểu cho nhu cầu tối thiểu chỉ là giải pháp trước mắt. Bởi nhu cầu trong cuộc sống phải là nhu cầu tái tạo sức lao động. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu càng cao. Nếu tiền lương vẫn chỉ để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì không cải thiện được tình hình và không tạo được động lực cho người lao động.

Còn theo lộ trình mỗi năm tăng thêm vài trăm nghìn đồng để cho lương vẫn lẽo đẽo theo tăng giá thì rõ ràng hiệu quả cải cách không bao nhiêu, chỉ là những giải pháp và phản ứng tình thế khi giá tăng cao quá nên anh mới nhích tiền lên chứ không trả theo đúng giá trị lao động. Do đó, nếu không thực hiện các giải pháp đồng bộ về con người thì rồi sẽ vẫn tái diễn tình trạng lách luật, tìm cách để tiêu cực, tham nhũng, chảy máu chất xám.

Lê Nhung

Kết quả khảo sát tuần trước: