Những loài cây giữa làng hay giữa phố cùng sống, cùng lớn lên, cùng già đi với người. Dưới bóng cây xanh che mát, ngược xuôi dòng xe, dòng đời chảy trôi tất tả. 

Chẳng ai buồn ngước lên tán ô xanh thắm trên đầu xem đó là loại cây gì. Cây vẫn xanh như một lẽ tất nhiên. Chỉ đến khi bỗng dưng cây bị quật đổ bởi một trận bão, hay tệ hơn là bị con người đốn chặt, ta mới nhận ra một khoảng trống, như một mất mát không ngờ.

Ai đã từng đi trên đường Hòa Lạc - Sơn Tây hẳn đều thấy các cây cổ thụ bó gốc trụi cành dựng ngả nghiêng chờ khách mua. Những cây này được người ta đánh từ trên rừng, mua lại ở vườn đồi nào đó tập kết về đây.

Đám buôn cổ thụ, mà có người đã gọi là bọn buôn lậu thời gian này sống tốt, khi mà càng ngày càng có nhiều người hãnh tiến và giàu có muốn sở hữu ngay lập tức cổ thụ, dù tuổi họ may chỉ bằng số lẻ tuổi cây. Những cổ thụ oai linh rừng thẳm hít gió đại ngàn một thời, giờ không rễ cái rễ trụ, trụi cành ủ rũ trong vườn nhà, vườn công thự, thiêm thiếp trong các loại thuốc kích thích sống dở chết dở, để làm thỏa lòng thói ăn sẵn của một đám bất kính đất trời.

{keywords}
Hàng cây xoài trên đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, Nghệ An bị chặt trụi. Ảnh: Quốc Huy

Một cây nu hương nghìn năm tuổi đang bình yên tỏa bóng giữa đại ngàn. Có đại gia chi cả chục tỷ đồng đưa cây về trồng tại nhà sau khi kể lể giấc mơ về điềm Giời căn Phật. Những phi thường cần có huyền thoại giải thích hoặc bao che. Về sân nhà đại gia, cổ thụ trụi dần rồi chết khô rất thương tâm. Ông ấy nói sẽ tạc cây thành tượng Phật, có giá hơn triệu đô la. Ở đây, huyền thoại đã được quy ra tiền.

Tôi không hiểu cái ý thích chiếm cứ sở hữu đặc biệt của một lớp người bây giờ. Cây nghìn năm tuổi nếu có căn Phật, Phật sẽ ngự ngay hồn cây, nơi cây đã lớn lên sinh trưởng. Cơn cớ gì tỉa cành chặt rễ, mang Phật về nhà mình, rồi đo thân đo cành, rồi định giá triệu đô?

Sỏi đá còn biết đau, nói gì cổ thụ. Tôi đọc cuốn “Đời sống bí ẩn của cây” của Peter Wohlleben, thấy mở mang ra được nhiều điều. Lại nhớ bài thơ ai cũng học từ hồi bé, sao thấy đời cây đời người giống nhau thế.

Lá cây làm lá phổi
Cũng hít vào thở ra
Cành cây thường vẫy gọi
Như tay người chúng ta
Khi vui cây nở hoa
Khi buồn cây héo lá
Ai bẻ vặt cành hoa
Nhựa tuôn như máu ứa

Nếu lỡ lọt vào một thửa ruộng khác giống chín sớm, lúa trên cánh đồng đó sẽ đua nhau chín nhanh hơn bình thường. Dường như thánh Phao lồ tiên tri, qua những cơn gió gửi gắm hương thơm mùa màng, đã thông báo cho chúng vậy.

Rừng nguyên sinh cũng thế, vốn là một xã hội thực vật cấp cao với hệ tương tác sinh thái thành thục. Các loài cây không những “nhìn” thấy nhau bởi độ cao, mà còn liên hệ với nhau bằng các mạng sợi nấm có thể truyền tải thông tin dưới tầng thảm mục. Qua “mạng thông tin ngầm” này, các loài cây trong xã hội rừng tự điều chỉnh hành vi.

Khi nhóm cây giáng hương hay cẩm liên đầu nguồn bị đốn, bị cháy, các cây khác sâu trong lõi rừng đã biết và không khỏi lo âu. Chúng có thể sẽ phản ứng bằng cách tự rụng bớt lá để giảm sự bốc hơi, rút nước vỏ ngoại vi để tích nước vào lõi rễ.

{keywords}
Cây xanh đang tươi tốt, quen thuộc với người dân TP Vinh giờ đã bị đốn hạ, cưa thành nhiều khúc - Ảnh: Quốc Huy

Thậm chí không thiếu những loài cây có ký ức được di truyền trong mã hạt, để có thể quyết định mọc hay không mọc cạnh các loài cây cạnh tranh khác. Thực vật cũng có hệ thần kinh dù có vẻ thụ động. Như đã có lần tôi chứng kiến cây bưởi “thích” hút thuốc lá của ông lão thợ rèn bỏ phố về làng chăm cây; những dò lan chậu cảnh của ông bác sỹ Sapa biết giận dỗi khi ông ốm, lâu lâu không ra thăm chúng.

Trái đất như một ngôi nhà chung, không chỉ có con người mà còn có các loài động thực vật khác, tương sinh cùng môi trường trong một quy luật ngầm, một liên hệ ngầm vô cùng chặt chẽ, đã được hoàn thiện trong hàng triệu năm. Sự tương sinh tương tác tự nhiên giữa chúng không đòi hỏi giải thích lưỡng nghi Vật chất - Ý thức cái nào có trước mà cùng tồn tại hài hòa.

Những kẻ độc ác khâu mắt chim mồi, vặt lông thui cò, đè gấu mẹ sống ra chọc sơ-ranh hút mật hay đốn sạch rừng về đóng đồ, làm nhà thực ra đang tự hủy hoại chính mình chỉ vì chút lợi cỏn con trước mắt.

Cây có hồn cây, người có hồn người. Cổ thụ cành linh dày tán bởi hàng trăm năm tích lũy. Người ta sẽ chẳng bao giờ trồng nổi một loài cổ thụ, có tuổi rễ còn hơn tuổi đời của bản thân mình. Nó vô luân bất kính và ngược lại quy luật thời gian.

Xin hãy trồng một cái cây, nhỏ thôi cũng được, nhưng là cây tâm thiện lòng mình.

Trung Sĩ 

Hàng loạt cây xanh ở “trái tim thành Vinh” bị đốn hạ làm phố đi bộ

Hàng loạt cây xanh ở “trái tim thành Vinh” bị đốn hạ làm phố đi bộ

Nhiều cây xanh hàng chục năm tuổi ở một số tuyến đường chính trung tâm TP Vinh (Nghệ An) bị chặt bỏ trong sự tiếc nuối của người dân.