Sáng nay (8/9), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão Côn Sơn.

Hơn 500.000 quân ứng trực, dự kiến sơ tán hơn 258.000 dân

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, thông tin cập nhật nhanh ban đầu, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng trong điều kiện diễn biến Covid-19 phức tạp.

{keywords}
Người dân xã Bình Đông (Quảng Ngãi) sơ tán để tránh bão số 9 (tháng 10/2020).

Trong đó dự kiến sơ tán: 73.996 dân khu vực ven biển (Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034, Nghệ An 18.200, Hà Tĩnh 1.100); 114.091 dân khu vực ven sông và ngoài đê (Hải Phòng 5.604, Thanh Hóa 28.272, Nghệ An 64.786, Hà Tĩnh 658, Điện Biên 5.612, Hà Giang 130, Bắc Cạn 479, Thái Nguyên 8.550); 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng 45.829, Điện Biên 2.315, Hà Giang 792, Bắc Cạn 842, Thái Nguyên 20.992). 

Các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.

Theo thống kê sơ bộ tại một số tỉnh, hiện có 26.451 tàu cá hoạt động trên biển; 394 tàu vận tải hoạt động tại cảng. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang thống kê, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển và sẽ có báo cáo vào chiều nay.

Đại diện Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho hay, để ứng phó với bão Côn Sơn, hiện quân đội đã sẵn sàng các lực lượng với dự kiến quân số hơn 500.000 bộ đội và dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 trang thiết bị.

Chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng ứng cứu

Đại diện Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế thông tin, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 7439 về việc chủ động và ứng phó với thiên tai, bão lũ, mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. 

{keywords}
Dự báo hướng đi của bão Côn Sơn. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Bộ đề nghị Sở Y tế và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Côn Sơn, mưa lũ để cập nhật các phương án, chuẩn bị phòng chống.

Ngoài ra, rà soát lại các kế hoạch đã được xây dựng, theo điều kiện thực tế để ứng phó kịp thời và đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn, đảm bảo công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn.

Tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa bão gây ra, triển khai theo các phương án để bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng.

Đồng thời, xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở, bệnh viện dã chiến và các khu tập trung bệnh nhân Covid-19 trong tình huống thiên tai. 

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, trang bị, vật tư thiết yếu cho nhân dân, bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Vị đại diện của Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương có phương án sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống đột xuất, đặc biệt là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, chú trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh tại nơi tập trung đông người, các điểm sơ tán phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Sau phát biểu của đại diện Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đặt câu hỏi: Nếu bão đổ bộ khu vực “vùng đỏ”, “ai ở đâu ở đó” thì lúc đó có hủy bỏ lệnh “ai ở đâu ở đó” hay được phép sơ tán dân và sơ tán đảm bảo những điều kiện gì?

Đại diện Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế cho hay, theo Chỉ thị của Thủ tướng là “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện đang triển khai công tác phòng chống dịch. 

Tuy nhiên, trong tình huống bão lũ và thiên tai thì công tác bảo đảm an toàn cho người dân phải đặt trên hết, tức những khu vực nào không đảm bảo an toàn thì vẫn phải sơ tán đến nơi an toàn, tại nơi này vẫn phải đảm bảo những điều kiện của cách ly để phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài Công văn 7439 đã gửi cho các địa phương, Sở Y tế thì Bộ Y tế đang dự kiến tình huống, phương án, đang trình lãnh đạo Bộ và sẽ có Công điện gửi hướng dẫn cho các địa phương triển khai.

Ông Trần Quang Hoài lưu ý, bão sắp đổ bộ, phương án để cho việc sơ tán dân cần có sớm, không để bị động. Ông đề nghị vị đại diện của Bộ Y tế khi có hướng dẫn thì gửi ngay sang Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để có chỉ đạo kịp thời. 

Ông cũng cho biết thêm, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, các địa phương có thể đọc để tham khảo thêm.

Kịch bản của bão Côn Sơn khi vào Biển Đông

Kịch bản của bão Côn Sơn khi vào Biển Đông

Hiện nay, các nhận định về bão Côn Sơn còn phân tán, có phương án bão đi lệch xuống Bắc Trung Bộ, phương án khác là sau khi bão đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ suy yếu dần.

Hương Quỳnh