- Dự kiến tối 27/7, bão số 1 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc bộ gây mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ.

Tại cuộc họp trực tuyến đối phó với cơn bão số 1 vào chiều 26/7, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, lúc 10h sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae - Dải ngân hà).

Lúc 13h chiều 26/7, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía bắc với sức gió mạnh nhất 60-75 km/h, tương đương cấp 8.

Đến sáng 27/7, bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó đổ bộ vùng đông bắc Việt Nam, đi sâu đất liền, rồi suy yếu thành áp thấp.

{keywords}
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Ông Cường nhận định, có 2 khả năng khi bão đổ bộ: Khả năng cao nhất là bão đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 8. Phương án 2 ít xảy ra là bão đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ cũng với cấp 8. 

Trong cả 2 khả năng, bão đều suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp và tan ở vùng núi phía bắc Việt Nam.

Ông Cường cho biết, dù có cường độ không lớn nhưng bão số 1 sẽ gây mưa to hầu khắp khu vực Bắc Bộ, trong đó mưa to đến rất to tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang ...với tổng lượng mưa cả đợt khoảng 200-300 mm, có nơi 400 mm. 

Lượng mưa giảm dần còn 100-200 mm khi vào đến Bắc Trung Bộ.

Riêng khu vực Hà Nội và và các tỉnh đồng bằng cần đề phòng ngập úng; vùng núi nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Thông tin thêm về diễn biến bão số 1, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1 năm 2015, bão đổ bộ vào Quảng Ninh- Hải Phòng nhưng các tỉnh Điện Biên, Sơn La lại bị thiệt hại về người và kinh tế nặng nề nhất do mưa lớn và lũ quét.

Ông Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương không được chủ quan ứng phó với bão, hoàn thành công tác ứng phó bão, kêu gọi tàu thuyền trú tránh an toàn trước 6h chiều 27/7.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GTVT cùng với các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định kiểm tra tàu của Vinashin đã neo mấy năm qua, tránh tình huống tàu trôi ra sông đâm vào tàu khác hoặc làm hư hỏng cầu.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng Quang Ninh đến Phú Yên, đến 12h ngày 26/7 đã thông báo và hướng dẫn cho trên 51.000 tàu biết vị trí. Bộ đội Biên phòng các địa phương đã chuẩn bị 13.000 cán bộ chiến sĩ, 67 tàu, 205 xuồng, ca nô các loại và 352 xe ô tô sẵn sàng ứng phó.

T.Hạnh - B.Hân