- Từ đầu năm 2013 đến nay đã có 17 cơn (cả bão và áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên biển Đông, vượt qua kỷ lục ghi nhận năm 1964 với 16 cơn.

Áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông đã mạnh lên thành bão số 13 trong ngày hôm qua. Nối tiếp áp thấp nhiệt đới này là cơn bão Haiyan (tên do Trung Quốc đặt, tên tiếng Việt của bão là Hải Âu). Dự kiến bão Hải Âu sẽ vào biển Đông vào đêm 8 đến rạng sáng 9/11.

{keywords}
Bão số 11 gây mưa to và gió lớn ở Hội An

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết:

Từ đầu năm đến nay, cả bão và áp thấp nhiệt đới đã lên đến con số 17 (trong đó 13 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên biển Đông, vượt kỷ lục của năm 1964 (dừng ở 16).

Tính đến thời điểm này, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 31 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều hơn trung bình mọi năm (28-30 cơn).

Riêng trong tháng 10, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 7 cơn bão (trước đó kỷ lục ghi nhận vào tháng 10/1989 là 6 cơn).

Bên cạnh việc gia tăng số lượng các cơn bão thì số cơn bão mạnh cũng nhiều hơn. Thông thường mỗi năm chỉ có 1 cơn mạnh cấp 10 đến 12 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhưng năm nay chỉ cách nhau 2 tuần đã có 2 cơn mạnh ảnh hưởng đến 2 khu vực cách nhau không xa.

- Lý do của hiện tượng này là gì, thưa ông?

Đây là sự biến động của các quy luật khí hậu, có năm nhiều bão, có năm ít bão (chưa khẳng định được có do biến đổi khí hậu hay không).

{keywords}

Ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (Ảnh: C.Q).

Có 2 điều đáng chú ý là sự biến động này khiến số lượng các cơn bão mạnh gia tăng và tại Việt Nam, các cơn bão có khuynh hướng ảnh hưởng về phía Nam nhiều hơn.

Tần suất bão ở Nam Bộ thông thường từ 20-30 năm mới có 1 cơn nhưng năm 1997 đã có bão Linda, năm 2006 có bão Durian, năm 2010 có Parma, như vậy quy luật giảm còn 5-6 năm lại có một cơn vào Nam Bộ.

Năm 2012 thể hiện rõ quy luật bão không đồng nhất. Miền Trung không có cơn bão nào, chỉ có một cơn nhỏ vào Phú Yên. Nhưng năm 2013 thì có đến 4 cơn bão vào miền Trung (8, 10, 11 và 13), trong đó có 2 cơn mạnh là bão số 10 và 11.

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình mưa bão sẽ diễn ra như thế nào?

Khả năng từ giờ đến cuối năm (2 tháng nữa) vẫn còn bão. Hiện nay bão diễn ra quanh năm, không còn phân biệt mùa mưa bão như trước đây (thực tế là có cơn bão xuất hiện ngay từ tháng Giêng rồi).

Tối nay bão số 13 vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ

Về bão số 13 và cơn bão Hải Âu đang tiến về biển Đông, ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng phòng dự báo hạn ngắn (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết, bão số 13 có tốc độ di chuyển nhanh. Với các cơn bão di chuyển nhanh thì diễn biến thường không quá phức tạp song bão lại quét trên diện rộng.

Hiện tại, tàu thuyền tập trung ở quần đảo Trường Sa rất nhiều. Với khu vực này, gió mạnh cấp 8 thôi đã khiến tàu bị phá rất nhiều. Các tàu cá di chuyển với tốc độ bình quân 10-12km/giờ, trong khi bão đi với tốc độ 25-30km/giờ nên có thể chạy không kịp bão nếu không được thông báo sớm.

Đây cũng chính là lý do khiến Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát đi bản tin cảnh báo về áp thấp nhiệt đới sớm hơn các đài khí tượng quốc tế.

Ông Tuấn cho biết dự báo tối nay (6/11) bão số 13 sẽ vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây là khu vực mật độ dân cư lớn, nhà cửa không được kiên cố nên cần đặc biệt lưu ý trong công tác phòng chống để tránh hậu quả.

Với bão Hải Âu, dự kiến nửa đêm 8/11 đến rạng sáng 9/11 sẽ vào biển Đông, trở thành cơn bão thứ 14 trên biển Đông. Hiện 2 cơn bão này còn cách nhau xa (3.000km).

Cẩm Quyên