- Việc Trung Quốc tập trận ở vùng biển đang tranh chấp chủ quyền trong khi các bên liên quan nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình là một hành động không xứng với vai trò và vị thế nước lớn của Trung Quốc; về phía mình, Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ hơn, ý kiến của độc giả VietNamNet.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cả về lịch sử lẫn pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông - động thái diễn tập quân sự của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

“Trong khi những nỗ lực ngoại giao không chỉ của Việt Nam và Trung Quốc mà còn của các nước liên quan trong ASEAN chưa đưa lại những kết quả cụ thể thì động thái này chỉ làm phức tạp thêm tình hình, không có lợi cho bất cứ bên nào” là ý kiến của độc giả Hoàng Hoa (hoa.hoang@...).

Độc giả tin rằng mỗi người dân Việt Nam đều tha thiết với chủ quyền của Tổ quốc và không mong gì hơn là hòa bình lâu dài. Ảnh: HLong
“Điều cần nhất là các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông phải tôn trọng những điều ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký năm 2002. Đặc biệt là Trung Quốc, một quốc gia mạnh về kinh tế, quân sự và có tiếng nói có trọng lượng trong các vấn đề quốc tế. Nghiêm túc, có trách nhiệm và xây dựng, đó là thái độ cần có trong việc giải quyết bất cứ tranh chấp nào, nếu không các bên sẽ đẩy nhau đến những nguy cơ không kiểm soát được về an ninh, điều mà không ai muốn”, độc giả này phân tích.

Độc giả Phan Thành Hưng (hungit@...) thì liên hệ đến việc “gần đây Trung Quốc liên tục tỏ rõ tham vọng trở thành một cường quốc về quân sự khi gia tăng ngân sách quốc phòng lên đến 12,7%, điều đang khiến các nước láng giềng không khỏi lo lắng”.

“Một quốc gia khi có điều kiện về kinh tế muốn củng cố quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ đất nước hiệu quả hơn là điều đáng hoan nghênh, song nếu quốc gia này sử dụng tiềm lực quốc phòng của mình để đe dọa an ninh và chủ quyền của các quốc gia khác, điều đó là không thể chấp nhận”, độc giả Hưng viết.

Trong khi, với địa chính trị và vai trò của mình đối với khu vực, Trung Quốc có trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo hòa bình tại khu vực. “Chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh ‘sự trỗi dậy hoà bình’, hẳn họ không muốn thay vì trở thành ‘tấm gương’ cho các nước trong khu vực, họ lại trở thành ‘ngáo ộp’ khiến các láng giềng lớn nhỏ đều phải dè chừng. Nước lớn thì hành động phải quang minh chính đại như người quân tử”, độc giả này phân tích.

Hòa bình sẽ có lợi cho tất cả

Đông Nam Á đang là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, các nước trong khu vực đều đang nỗ lực phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. “Có đáng không nếu những quan ngại về an ninh, quốc phòng, quân sự khiến các bên bị ‘trật bánh’ trên đường ray kinh tế, không đạt được những mục tiêu thiết thực hơn?”, độc giả doquangvinh (vinhdo@...) đặt câu hỏi.

“Bản thân Trung Quốc cũng phải đối mặt không ít với nhiều vấn đề nội bộ: khoảng cách giàu nghèo, môi trường ô nhiễm, tham nhũng tràn lan, dẫn đến nhiều bất bình và mâu thuẫn lớn trong xã hội… Không giải quyết những vấn đề đó thấu đáo, Trung Quốc không thể đảm bảo tăng trưởng bền vững”, độc giả này viết.

Đó cũng là những vấn đề mà Việt Nam và các nước ASEAN đang phải đối mặt ở những mức độ khác nhau và đều phải tập trung giải quyết. Căng thẳng và bất ổn sẽ chẳng có lợi cho ai, và mong ước thịnh vượng của các bên đều sẽ bị đe dọa.

Bảo vệ chủ quyền cần tiếng nói đồng thuận

Dù Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với Hoàng Sa, Trường Sa và phản ứng trước những động thái vô lý của Trung Quốc, nhưng nếu việc này chỉ dừng lại ở cấp độ ngoại giao thì chưa đủ. Nếu đã coi trọng “ngoại giao nhân dân”, hãy để người dân được tham gia bảo vệ chủ quyền.

Độc giả dohongviet9@... cho rằng cần phải “tuyên truyền những thông tin và bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của ta nhiều hơn nữa, trên tất cả các phương tiên truyền thông, cả trong nước và nước ngoài, để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế”.

Đồng thời, như ý kiến của độc giả dxcanh1@..., “mỗi người dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm lên tiếng phản đối sự việc này”. “Hãy góp tiếng nói của mình trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

"Tôi tin rằng mỗi người dân Việt Nam đều tha thiết với chủ quyền của Tổ quốc, và cũng không mong gì hơn là hòa bình lâu dài để đất nước phát triển thịnh vượng. Hãy tạo điều kiện và ủng hộ họ góp sức mình trong việc truyền đi thông điệp đó đến thế giới", là chia sẻ của độc giả Vũ Nhân (myvietnam@...). "Những tiếng nói đơn lẻ nhưng đồng thuận sẽ hòa giọng thành một tiếng nói mạnh mẽ, không ai có thể lờ đi không nghe", độc giả này khẳng định.

Thủy Chung