- Sau khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, nhiều hộ dân hai bên đường buộc phải phá rào chắn của tuyến đường để làm lối đi.

Biết vi phạm nhưng… không còn cách nào khác

Tai nút giao  IC14, nhân viên Trạm thu phí tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bất lực nhìn ông Nguyễn Tiến Đài  ở xóm Đồng Danh (Minh Quân, Trấn Yên, Yên Bái) đi thẳng chiếc xe Wave vào đường cao tốc (bất chấp quy định cấm xe máy).

{keywords}
Ông Đài cho biết, ông và 20 hộ dân xóm Đồng Danh buộc phải phá rào chắn đường cao tốc để lấy lối đi.

Ông Đài cho biết sau khi tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác, 20 hộ dân trong xóm đã phải phá hàng rào tôn sóng an toàn giao thông để lấy đường đi vào phần đất canh tác của nhà mình (mỗi hộ có 1-2ha).

“Biết là vi phạm luật Giao thông nhưng vì không có lối đi nên chúng tôi không còn cách nào khác”, ông Đài phân trần.

Theo ông Đài, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị làm đường gom và chủ đầu tư cũng đã hứa nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có đường. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải chấp nhận để dân phá hàng rào lấy lối đi.

Cũng lâm vào tình cảnh như ông Đài, nhà bà Trình Thị Đào ở xã Xuân Ái (Văn Yên, Yên Bái) cũng bị “cô lập” sau khi tuyến cao tốc hoàn thành. Ngay tuyến đường gom đã 3 - 4 năm nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn trả. Chính vì vậy, ngay trước cửa nhà  mình bà Đào tự ý phá tấm lưới sắt rộng 3m làm lối đi ra thẳng đường cao tốc.

“Sau khi chúng tôi mở rào chắn lấy lối đi đơn vị vận hành tuyến đường đã nhiều lần đến sửa chữa và lắp đặt lại nhưng gia đình tôi không đồng ý. Nếu không hoàn trả đường gom cho gia đình thì chúng tôi biết đi lại như thế nào”, bà Đào nói. 

{keywords}
Đoạn cao tốc 2 làn Nội Bài - Lào Cai có rất nhiều đường ngang dân sinh tự phát.

Thửa ruộng gần 1.000m2 ở phía bên kia đường cao tốc vốn được bà Đào trồng lúa và thu hoạch rất thuận lợi nhưng bị bỏ hoang mấy năm nay vì không còn đường vào. “Mỗi lần băng qua đường cao tốc, phương tiện đi với tốc độ cao chẳng khách nào thách đố sinh mạng với tử thần. Dù rất muốn trồng lúa nhưng không còn cách nào khác gia đình tôi phải chấp nhận bỏ hoang và đi bóc vỏ quế thuê để duy trì cuộc sống”, bà Đào bức xúc.

Có đường gom dân vẫn phá rào

Cầm chiếc kìm trên tay, ông Vũ Đức Hậu ở thôn Ù Tụ (Tân Thượng, Văn Bàn, Lào Cai) chậm rãi đi bộ dọc tuyến cao tốc để tới khu chợ Bảo Hà cách đó khoảng 2,5 km.

Theo lời ông Hậu, dọc tuyến đường qua thôn còn có vài vị trí người dân tự ý phá rỡ hàng rào để lấy lối đi, cho dù nhà thầu đã làm đường gom dân sinh bên trong. Lý do là vì đường gom chưa có rãnh thoát nước nên cứ vào mùa mưa lớp đá bị rửa trôi khiến đường sinh lầy lội, đi lại rất khó khăn.

“Đường gom đất đá lởm chởm khiến bà con đi lại gặp nhiều khó khăn, trong khi đường cao tốc 2 làn xe nhẵn và êm thì chẳng có lý do gì bà con không phá rào để đi!”, ông nói.

{keywords}
Cả tuyến đường cao tốc có tới hàng trăm hộ dân phá rào chắn làm lối đi ra đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
 
Ông Hậu cũng cho biết thêm, trẻ em đi học cũng chui qua các hàng rào này để đạp xe đến trường Tân Thượng dù biết rằng có thể gặp tai nạn thảm khốc bất cứ lúc nào.

“Dân cũng chỉ biết vi phạm luật vì đường gom chưa xong chứ không ai muốn phá hoại tài sản quốc gia”, ông Hậu phân trần.

Một số vị trí hàng rào bị phá

Theo công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), trên toàn tuyến hiện có vài vị trí hàng rào bị người dân cắt phá hoặc đơn vị nhà thầu bắt buộc phải mở lối đi để thi công các hạng mục chưa hoàn thiện của khu vực đường cao tốc.

Dù đơn vị vận hành và bảo trì đường cao tốc đã phát hiện và có các biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động giáo dục người dân nhưng họ không cho đóng đường lại chỉ vì chưa có đường gom dân sinh.

Vũ Điệp