- Những ngôi mộ bạc tỷ dày đặc khắp nghĩa trang, những ngôi biệt thự vài ba tỷ đồng xây rồi để đó tưởng chừng như nói lên tất cả sự giàu có của An Bằng. Thế nhưng, còn đó những gia đình nghèo túng đến mức chẳng có tiền cho con đi học, chẳng đủ tiền để mua dầu đi biển, và mối lo chẳng còn đất để cho con cháu sinh sôi khi đất dành cho người chết càng ngày càng lớn. 


Biệt thự tiền tỷ bỏ hoang

Con đường xương sống chạy dọc làng An Bằng ra tới nghĩa trang mấy năm nay mọc lên nhiều ngôi biệt thự đắt tiến. Nếu không hiểu được câu chuyện ngôi làng Việt kiều thì chẳng ai có thế hiểu được người dân nơi đây lấy tiền đâu mà xây những ngôi biệt thự đồ sộ như thế.

Ngôi biệt thự 2,7 tỷ của ông Lê B., một Việt kiều ở làng An Bằng xây dựng rồi bỏ vậy chẳng có ai ở. Những ngôi biệt thự như thế này chẳng hiếm ở ngôi làng tỷ phú này.

Loanh quanh khắp cả làng An Bằng một ngày, chúng tôi chẳng thấy người dân nơi đây có hoạt động sản xuất gì. Lác đác vài ba quán hàng tạp hóa, một ít cửa hàng vật liệu xây lăng mộ. Trên bờ biển là những chiếc thuyền nằm dài phơi nắng, chỉ có một số người kéo xe bò từ xã khác qua lấy cát bán cho người xây lăng.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bà chủ quán nước đầu làng liền cười nói: Không có gì phải ngạc nhiên đâu, hầu hết các gia đình trong làng đều có người đi nước ngoài gửi tiền về nên người ở nhà sướng lắm. Nhiệm vụ xây lăng mộ cho tổ tiên quan trọng hơn hết. Khi hoàn thành “nhiệm vụ” thì họ rất rỗi, chỉ đi chơi. Nhiều người còn có thú chơi bài ăn tiền nữa.

Già làng Đặng Tâm khoe với chúng tôi về ngôi biệt thự gần 3 tỷ đồng mà ông đang trông coi. Ngôi biệt thự rộng lớn của ông Lê B. được xây lên rồi để đó cho cỏ mọc vì người nhà ông chẳng còn ai ở lại làng. Thế nên ông B. đành nhờ ông Tâm trông coi hộ để khi nào về thì có chỗ để nghỉ ít ngày.

Những ngôi nhà ở của dân lọt thỏm, bé nhỏ trước những ngôi... mộ.

Ông Tâm nói rằng, những ngôi biệt thự kiểu như của ông B. mà ông đang trông coi ở làng này nhiều lắm. Những người đi nước ngoài gửi tiền về xây dựng nhưng chẳng có ai ở, đành cửa đóng then cài cả một dãy trên đường vào làng.

Bất lực!

Phong trào xây lăng mộ ồ ạt, lộn xộn, không theo quy hoạch nào, từng dòng tộc đua nhau mạnh ai nấy xây khiến chính quyền địa phương không khỏi đau đầu, thậm chí “bất lực”.

Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Chỉ trong một thời gian ngắn, lăng mộ bít kín cồn cát. Lăng mộ “bao vây” nhà ở người dân, địa phận giữa người sống và người chết rất mong manh.

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn đến năm 2015. Theo đó quy định chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ chôn cất một lần tối đa không quá 5m2/mộ, mộ cải táng tối đa không quá 3m2/mộ. 

Chính quyền sở tại chẳng thể quản lý được tình trạng chiếm đất, xây lăng không theo quy hoạch.

Thế nhưng, ở làng An Bằng, những ngôi mộ vẫn đua nhau mọc lên với diện tích lên tới cả trăm mét vuông mà không có bất cứ sự can thiệp, xử lý nào từ chính quyền địa phương.

Trả lời báo chí, ông Phạm Bình Tịnh, Chủ tịch xã Vinh An thừa nhận: “Rất khó để thực hiện quyết định của tỉnh vì nếu chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ chôn cất không quá 5m2/mộ thì không thực hiện được với địa hình là đất đồi cát. Hơn nữa, người dân vốn có phong tục, tập quán xây lăng mộ lớn nên rất khó thay đổi ngay được. Những việc đụng đến tâm linh người chết thì ai cũng sợ, không dám can thiệp mạnh tay”.

Thất học ở ngôi làng tỷ phú

Làng tỷ phú Việt kiều An Bằng còn đó những mảnh đời nghèo túng vẫn hiện hữu bên những ngôi mộ bạc tỷ, xen lẫn với những ngôi biệt thự bỏ hoang.

Lão ngư Lê Văn Đích buồn rầu bên cạnh đống ngư cụ đắp chiếu nằm bờ vì những chuyến ra khơi của ông chẳng đủ tiền mua dầu. Cả nhà sống nhờ vào mấy đồng tiền lời từ việc bán bánh bột lọc của vợ ông.

 

Chúng tôi tìm đến nhà lão ngư có tên Lê Văn Đích. Ông Đích cũng khá nổi tiếng chẳng kém một số người giàu có ở đây. Có khác chăng ông đại diện cho sự nghèo túng khi chẳng kiếm đủ tiền để nuôi con ăn học, chẳng đủ tiền để mua dầu cho thuyền ra khơi.

Ông Đích năm nay đã 61 tuổi, có tới 8 người con. Đứa nhỏ nhất vẫn đang còn học lớp 6. Ngày cả làng An Bằng đua nhau vượt biển ra nước ngoài, ông Đích cũng quyết định bỏ làng ra đi.

Nhưng ông chẳng có được may mắn như những người khác. Chiếc thuyền của ông gặp bão phải dạt vào bờ, rồi bị bắt vì tội vượt biên trái phép. Sau thời gian cải tạo, ông trở về và quên hẳn ý định vượt biển lần nữa.
 

Góc cuối của một trong nhưng lăng mộ hoành tráng bậc nhất An Bằng.

Công việc chính của ông là nghề đánh bắt cá trên biển, nhưng vài năm trở lại đây thủy sản ít dần, cộng với giá dầu ngày càng cao chẳng đủ chi phí nên ông không còn ham muốn đi biển nữa.

Ông nói với chúng tôi, thuyền nằm bờ đã 6 tháng nay vì chẳng có tiền mua dầu. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào thu nhập mấy chục ngàn tiền bán bánh bột lọc của vợ ông.

Cách đây vài năm, cũng vì nghèo túng nên hai đứa con của ông đã phải bỏ học. Hai người con đầu cũng chẳng khá giả gì so với ông. Thuyền chẳng ra khơi, con ông cũng thất nghiệp và phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Biểu tượng của làng biển An Bằng một thời nay nằm im trước các khu mộ hoành tráng.

Ngày ngày nhìn người trong làng đua nhau xây lăng mộ tiền tỷ cho tổ tiên ông cũng thấy xót xa. Ông xót xa cho sự nghèo túng của mình, ông cũng muốn xây cho bố mẹ đã mất của mình ngôi mộ đàng hoàng, nhưng chẳng thể được khi tiền chẳng đủ để cho con ăn học, nói gì đến việc xây lăng.

Mối lo lăng mộ nuốt hết đất sống của ông Đích ngày càng hiện hữu khi những cồn cát dần bị bịt kín bởi những chiếc lăng mộ.

Mộ lớn thì gần 1.000m2, bé thì cũng mấy chục cho đến mấy trăm mét vuông. Trong lúc đó hai người con của ông đã lập gia đình chưa có đất tách hộ.

Ông lo lắng cho những đưa con còn nhỏ, những đưa cháu của mình sau này rồi sẽ ra sao khi lăng mộ người chết dần chiếm hết đất người sống.

Duy Tuấn


Bài 1: Sửng sốt ở nghĩa địa xa hoa nhất VN

Bài 2: Đua nhau xây lăng tiền tỷ ở 'làng ăn xin'