Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chiều nay chủ trì hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Ông Vương Đình Huệ cho hay, TP sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn TP được kích hoạt, thông suốt.

Bí thư Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có hiến kế cho TP để duy trì được đà tăng trưởng.

Ông nhấn mạnh kinh tế Hà Nội sẽ cố gắng đi theo hình chữ V lệch, với góc xuống không quá đột ngột, nhưng chiều lên thì dốc cao.

“Không để kinh tế đi theo hình chữ U hay chữ L. Nếu chữ L là đi xuống và không tăng trưởng lại được”, ông Huệ nói.

Cho rằng "cái khó phải ló cái khôn", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu UBND TP phải thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như mệnh lệnh trong thời chiến.

Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn BRG cho biết, BRG kinh doanh đa ngành chịu ảnh hưởng nặng nề sơ bộ 1.000 tỷ đồng; 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Chủ tịch BRG đề nghị TP cử công an các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì hiện nay người dân đến rất đông... ; nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân gôn nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang…).

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội, Chủ tịch tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển cho biết DNNVV “mỏng manh, dễ vỡ” nên đang gặp khó khăn ở đầu vào và đầu ra của thị trường.

{keywords}
Chủ tịch tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển

Cho hay Hà Nội đã có quỹ xúc tiến thương mại và đầu tư, ông Hiển đề nghị TP nên tập trung sử dụng khai thác, hỗ trợ DNNVV.

Ông cũng mong TP xem xét kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ giảm các loại thuế không chỉ trong đợt dịch mà từ nay về sau cho các DNNVV.

Chủ tịch tập đoàn T&TT phản ánh thực trạng hiện nay cả doanh nghiệp lớn và DNNVV đang gặp ách tắc rất nhiều ở thủ tục hành chính ở các quy trình trong nhiều lĩnh vực.

“Kể cụ thể cũng phải cả tuần không hết. Việc này dẫn đến nhiều dự án sản xuất kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực tồn tại ách tắc, có dự án tồn tại đến hơn 10 năm. Có dự án thủ tục pháp lý đi được 2/3 chặng, có cấp vốn, còn 1/3 cuối có ách tắc, rất khổ”, ông Hiển bày tỏ.

Theo ông, không phải cơ quan quản lý không nhiệt tình với DN nhưng cũng có tắc về cơ chế chính sách. Ông mong muốn Quốc hội, Chính phủ và TP Hà Nội quan tâm tháo gỡ những vướng mắc này.

Ông Hiển dẫn ví dụ hiện Hà Nội có 2 dự án quan trọng và cấp bách nhưng đang còn ách tắc là dự án tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy và trung tâm quần vợt quốc tế ở Mỹ Đình. Cả 2 dự án này đều nằm trong diện dự án cấp bách phục vụ SEA Games 21.

Ông hy vọng 2 dự án này sớm tháo gỡ được thủ tục pháp lý để phục vụ SEA Games 21, quảng bá thu hút du lịch, tăng thu dịch vụ...

Đại diện tập đoàn Vingroup thì phản ánh về văn bản lấy ý kiến liên ngành vẫn còn chưa rõ. Ví dụ Sở KH&ĐT ra văn bản hỏi các sở khác thì sở khác trả lời rất chung chiêng, không trả lời đúng lĩnh vực của mình.

“Làm sao có cải cách hành chính để trả lời cho nét, không để các sở ngành đẩy quả bóng lên TP, mỗi sở có trách nhiệm trả lời, tóm lại phải nhanh”, vị đại diện này nói.

Dịch vụ công bị ảnh hưởng do vụ Nhật Cường

Trước ý kiến của 1 số DN về cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong mấy năm vừa qua TP đã cải cách thủ tục rất nhiều.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Đến nay toàn TP có 1.818 thủ tục dịch vụ công từ ở phường đến các quận huyện, sở ngành; 82% các thủ tục đã được triển khai ở cấp độ 3, 4; còn lại 237 dịch vụ TP phấn đấu trong tháng 4 sẽ hoàn thành xong cấp độ 4.

Cho biết việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bị chậm do ảnh hưởng liên quan đến vụ án ở công ty Nhật Cường, Chủ tịch Hà Nội cho biết đã kiến nghị Bộ Công an và các đơn vị làm án để làm sao các dịch vụ công của TP thông suốt.

Ông Chung ghi nhận các phát biểu xung quanh vấn đề quá trình thẩm định của các sở ngành thời gian qua chưa được thông suốt và còn chậm, TP xin tiếp thu và tiếp tục đôn đốc việc này.

Hà Nội đã triển khai trở lại hoạt động của tổ công tác với giám đốc các sở, ngành, tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và họp hàng tuần để tháo gỡ kịp thời. 

Vietnam Airlines xin đẩy nhanh mua thêm 50 máy bay

Tại cuộc họp, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nêu 2 kiến nghị. Theo đó, cần giải pháp cấp bách phê duyệt đề án đầu tư máy bay.

Ông Thành cho rằng, dù giai đoạn này rất khó khăn, nhưng nếu đầu tư 50 máy bay sẽ là một cơ hội bởi "phần lớn các hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy đơn hàng. Cách đây 2 tháng đặt máy bay thì phải 3 - 4 năm sau mới có, nhưng bây giờ có thể có sớm hơn".

Thứ hai là cần giải quyết giúp vướng mắc để đơn vị đầu tư dự án xây dựng nhà ga sửa chữa máy bay ở Nội Bài.

Hương Quỳnh

Ngồi nhà bấm nút làm thủ tục, doanh nghiệp khỏi cần gặp ai đó

Ngồi nhà bấm nút làm thủ tục, doanh nghiệp khỏi cần gặp ai đó

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ với VietNamNet nhiều tin vui trong năm mới về cải cách thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia.