- Ngày 3/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên (‘bầu’ Kiên) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn để làm rõ hành vi 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và 'Cố ý làm trái'.

Vợ 'bầu Kiên' bật khóc tại tòa

“Với một người đầy đủ nhận thức, tôi hiểu đã ký thì phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng mong HĐXX xem xét. Tôi đã ký với vai trò là người vợ tin tưởng chồng. Nhưng...”.

“Tình bạn hàng trăm tỷ không mua được”

Theo cáo buộc, Cty ACBI sở hữu hơn 29 triệu cổ phần của Cty Cổ phần Thép Hòa Phát. Đến ngày 11/5/2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ACBI ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Cty Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Dù số cổ phần đã bị mang đi thế chấp, nhưng đến năm 2012, Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần cho Cty Cổ phần Thép Hòa Phát.

 

{keywords}
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa

Sau khi ông Kiều Chí Công, đại diện Cty MTV Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần do Cty ACBI sở hữu, đồng thời chuyển số tiền 264 tỷ đồng cho Cty ACBI, Kiên đã chiếm đoạt số tiền này.

Theo nhận định của bản án sơ thẩm, các ông Long, Dương, Công đều không biết việc số cổ phần mà Kiên sở hữu đã được mang đi thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ khác. Bị cáo nhiều lần khẳng định là người có tài sản nhiều ngàn tỷ, không có ý định chiếm đoạt tiền, HĐXX cấp sơ thẩm thấy, ngay khi nhận được tiền, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng số tiền vào mục đích khác.

Ở đây tội phạm hoàn thành từ khi Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển số tiền 264 tỷ đồng vào tài khoản của Cty ACBI.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói rằng, 'vì là chỗ bạn bè nên bị cáo không có ý thức lừa ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Hòa Phát) và ông Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc Thép Hòa Phát)'.

Bị cáo Kiên nhiều lần nhắc đến mối quan hệ bạn bè thân thiết với ông Trần Đình Long: “Tình bạn của tôi và anh Long hàng trăm tỷ không mua được”.

Nguyễn Đức Kiên tự ý mua cổ phiếu ACB?

Buổi chiều cùng ngày, Tòa chuyển sang thẩm vấn để làm rõ hành vi 'Cố ý làm trái' mà các bị cáo bị cáo buộc.

Theo nhận định của bản án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên tuy không phải là thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB trong việc ủy thác tiền gửi và mua cổ phiếu ACB, gây thất thoát cho ACB số tiền hơn 1.400 tỷ đồng.

{keywords}
Bị cáo Lý Xuân Hải tại tòa

Việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông: Quang, Cang, Kỳ, Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB của “bầu Kiên”, Kỳ là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo: Cang, Quang, Kỳ, Hải, Kiên còn bị xem xét về hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào ngân hàng khác gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc phẩm, các bị cáo khai nhận, thời điểm năm 2009, Ngân hàng ACB đang dư vốn, trong khi đó, giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi.

Cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 5/11/2009 đã đi đến thống nhất- chấp nhận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu giá tốt và có tính thanh khoản cao; giao Nguyễn Đức Kiên chọn cổ phiếu nào để mua và mua với giá bao nhiêu.

Bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB khai, bị cáo không biết Kiên lại đầu tư vào chính cổ phiếu ACB. Chỉ đến khi bên kiểm toán cho hay, bị cáo này mới biết chuyện và yêu cầu cấp dưới báo cáo.

“Bản thân bị cáo có phản ứng không đồng tình với việc mua cổ phiếu này, sau đó yêu cầu chấm dứt việc hợp tác đầu tư. Ở ACB thời điểm đó cũng có những quan điểm khác nhau. Lúc đó tôi cũng có tranh luận rất nhiều với anh Kiên về việc này”, bị cáo Hải khai.

16 giờ 20’, phiên tòa nghỉ, ngày mai (4/12) sẽ tiếp tục.

T.Nhung