- Lãnh đạo Sở Y tế của nhiều tỉnh thành có dịch tay chân miệng với số lượng bệnh nhân lớn đều khẳng định địa phương họ 'chưa đủ điều kiện' để công bố dịch. Tuy nhiên, lý lẽ đưa ra không thuyết phục.

Quyết không công bố dịch tay chân miệng
Tại Hà Nội, lại có thêm một bệnh nhi tử vong vì bệnh này, khiến tình hình thêm căng thẳng. Sở Y tế các tỉnh, thành phố có dịch bùng phát vẫn nhất quyết không công bố dịch vì cho rằng “vẫn chưa đủ điều kiện”.


Vẫn chưa đủ điều kiện công bố dịch!

Theo quy định hiện hành, bệnh truyền nhiễm được công bố là dịch khi hội tụ đủ 2 điều kiện:

Một là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Nhiều địa phương cho biết họ mới chỉ có điều kiện 1 (số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên), còn 1 trong các yếu tố nguy cơ của điều kiện 2 thì họ chưa có. Vì thế, họ khẳng định “dịch vẫn trong tầm kiểm soát” và nhất định không công bố dịch.

Nhưng thực sự có là như vậy?

Bệnh nhân tăng mạnh, nhưng vẫn “trong tầm kiểm soát”!

Trên thực tế, đúng là tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2011 chưa biến đổi (virus gây bệnh vẫn là virus đã được phát hiện trước đó). Dịch tay chân miệng cũng không xảy ra trong bối cảnh có thiên tai, thảm họa.

Nhưng còn yếu tố “quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” thì các địa phương phải xem xét lại.

Dịch tay chân miệng lan rộng ra 61/63 tỉnh thành, có những nơi số mắc và số tử vong cao, dịch không có dấu hiệu giảm nhưng địa phương vẫn không công bố dịch (Ảnh: VietNamNet)

Mới đây nhất, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dịch tay chân miệng ở địa phương này vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Nhưng nếu vẫn ở trong tầm kiểm soát thì tại sao Quảng Ngãi vẫn có tới hơn 6.000 bệnh nhân mắc bệnh và phải nhập viện điều trị (chưa kể các bệnh nhân mắc bệnh nhưng tự chữa trị ở gia đình)?

Cùng với đó, đã có 5 bệnh nhân tử vong. Hiện nay, dịch bệnh hiện vẫn “căng như dây đàn”. Chỉ tính riêng số bệnh nhân ở Quảng Ngãi đã bằng 2/3 toàn bộ số bệnh nhân tay chân miệng của cả miền Trung và Tây Nguyên.

Cần lưu ý rằng, năm 2011, Quảng Ngãi không phải tỉnh đầu tiên trong cả nước có dịch. Trước đó, toàn khu vực miền Nam đã “nóng ran” vì bệnh này và Bộ Y tế liên tục cảnh báo các địa phương về sự lây lan của bệnh.

Không chỉ riêng Quảng Ngãi, các địa phương còn lại cũng vin vào lý lẽ “mới có điều kiện 1, chưa có điều kiện 2” để không công bố dịch. Nhưng thực tế là nếu các địa phương kiểm soát được dịch thật thì tại sao chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, cả nước đã có thêm gần 17.000 ca mắc và thêm 26 trường hợp tử vong?

Cụ thể: Báo cáo đến ngày 23/8 của Bộ Y tế cho thấy tích lũy từ đầu năm đến 23/8, toàn quốc có 35.623 trường hợp mắc tay chân miệng, 83 ca tử vong. Đến báo cáo ngày 15/9 (gửi Thủ tướng Chính phủ), Bộ Y tế cho biết số mắc tay chân chân miệng tích lũy từ đầu năm là 52.321 trường hợp và 109 ca tử vong. Như vậy trong vòng chưa đầy 1 tháng, số mắc tăng gần 17.000 trường hợp, số tử vong tăng 26 trường hợp.

Cho đến tận cuối tháng 9/2011, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn ở mức cao. Có ngày vẫn có tới hơn 200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị, trong đó khoảng 20% số trẻ mắc bệnh nặng, có nguy cơ tử vong.

Tình hình căng thẳng này kéo dài đã lâu, nhưng cũng như các địa phương khác, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng họ vẫn kiểm soát dịch tốt và không công bố dịch vì chưa đủ điều kiện.

Những con số này có đủ sức chứng minh một cách thuyết phục rằng dịch tay chân miệng đang được các địa phương kiểm soát tốt?

Không thể đặt bệnh thành tích cao hơn tính mạng người dân

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các địa phương đều đã nắm được các điều kiệncông bố dịch và các điều kiện này có thể ‘đong đếm’ được.

Nhưng đến nay, đã có gần 60.000 ca mắc, trên 100 trường hợp chết vì bệnh (chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi) nhưng vẫn chưa có địa phương nào chịu công bố là tỉnh, thành mình đang có dịch.

 Không thể đặt bệnh thành tích, lợi ích kinh tế của địa phương cao hơn tính mạng và sức khỏe của người dân (Ảnh: VietNamNet)

Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ Bộ Y tế (đã về hưu, đề nghị giấu tên) cho biết nếu công bố dịch thì cái lợi thấy rõ là cả hệ thống chính trị của địa phương sẽ vào cuộc, vì không còn là việc chuyên môn riêng của một mình ngành y tế nữa.

Việc đó tạo điều kiện tốt về kinh phí, động lực, ý thức, … của đông đảo mọi người. Nhưng “cái hại”, ngoài chuyện ảnh hưởng đến kinh tế địa phương (nếu đó là bệnh lây dễ dàng và nhất là ở các địa phương làm nghề du lịch), thì còn một nguyên nhân quan trọng là chẳng ai muốn nhận là mình làm không tốt đến nỗi phải công bố dịch cả”.

Theo quy định, việc công bố dịch tay chân miệng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị tham mưu để công bố dịch là Sở Y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định Bộ không thể công bố dịch này khi chưa có địa phương nào không công bố (Bộ Y tế chỉ công bố là có dịch khi có từ 2 địa phương trở lên đã công bố dịch).

Song, trong bối cảnh hiện nay, cần phải có biện pháp hợp lý để các địa phương có dịch phải nhìn vào thực tế, không thể để bệnh thành tích hoặc lợi ích kinh tế trước mắt của địa phương chi phối khiến thêm nhiều bệnh nhi phải chết và thêm nhiều người bị mắc.

Ngọc Anh