{keywords}
 

Cũng như các năm trước, việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2019 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo 3 nhóm cơ quan, đơn vị (các bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) với 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; trang/cổng thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Bảng xếp hạng cho thấy, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình của khối Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2019 tăng so với năm 2018.

Trong đó, khối các cơ quan thuộc Chính phủ đã đạt 0,6 điểm trong năm 2019, tăng 0,05 điểm so với năm 2018. Các chỉ số thành phần gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT; trang/cổng thông tin điện tử; cơ chế, chính sách (trừ nhân lực cho ứng dụng CNTT) của các cơ quan thuộc Chính phủ đều tăng, trong đó chỉ số về hạ tầng kỹ thuật CNTT và ứng dụng CNTT tăng nhiều nhất.

Những con số trên cũng cho thấy, trong năm 2019, các cơ quan thuộc Chính phủ đã chú trọng hơn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai nhiều ứng dụng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.

Theo danh sách xếp hạng, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ về mức độ ứng dụng CNTT năm 2019. Kết quả này đã góp phần ghi nhận cho những nỗ lực, thành tích của BHXH Việt Nam trong công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ của ngành, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong những năm qua, công tác ứng dụng CNTT, cũng như rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính luôn được BHXH Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt công tác ứng dụng CNTT và được người dân, tổ chức đánh giá cao, nổi bật như: Triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH; hệ thống giao dịch điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot) trong trả lời, giải đáp người dân, doanh nghiệp về chế độ, chính sách BHXH.

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã xây dựng và triển khai Hệ thống Thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT, là công cụ hỗ trợ đắc lực dùng để giám sát, cảnh báo những vấn đề bất thường, cung cấp thông tin cho các cơ sở y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam cho biết sẽ nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Thúy Ngà