Trong 2 giờ, đại diện Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã giải đáp mọi băn khoăn của bạn đọc về các chính sách mới. 

Trong năm 2017, ngành y tế thông tuyến khám chữa bệnh BHYT (giữa tuyến xã và tuyến huyện) trên cùng địa bàn, theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y Tế về quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh. Theo đó, người có thẻ BHYT được chọn nơi KCB, thậm chí chọn phòng khám, bệnh viện tư nhân tương đương mà vẫn được chi trả 100% chứ không phải 70% như lâu nay.

Cùng với việc xóa bỏ giới hạn nơi khám chữa bệnh, nhiều quy định mới thực hiện trong năm 2016 -2017 đã tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT khi tiếp cận dịch vụ y tế; như Không quy định ngày giờ khám chữa bệnh, Cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, Quyền tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT đi làm ăn, học tập xa địa phương...

Tuy nhiên, dù các chính sách trên đã được triển khai khắp nước, không phải ai trong số 74,3 triệu người Việt Nam có BHYT cũng hiểu biết đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh khi tiếp cận dịch vụ y tế. Nhiều người thậm chí tự mặc định: sử dụng BHYT sẽ khó được khám chữa tử tế, dẫn đến việc không thụ hưởng đầy đủ quyền lợi tấm thẻ.

Đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, báo VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến: "Bảo hiểm y tế  - Nhiều đổi mới vì dân".

{keywords}
Đại diện báo VietNamNet tặng hoa các khách mời. Ảnh: LAD

Các chuyên gia - khách mời sẽ báo cáo bạn đọc kết quả phục vụ của ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội năm 2017, giải đáp thắc mắc liên quan quy định mới, như Thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh, Mức đóng - Chi trả BHYT (đặc biệt khi tăng giá dịch vụ y tế)...

- Khách mời:

+ Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám Đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức

+ Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT - BHXH

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

vũ thế nam , Nam - 59  Tuổi

Thẻ BHYT của tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Quận Dương Kinh, TP Hải Phòng. Hiện nay tôi đang ở và làm việc tại TP Nam Định. Tôi khám bệnh ở bệnh viện Nam Định có được hưởng chế độ BHYT như đúng tuyến không

Ông Lê Văn Phúc: Theo quy định của luật BHYT, TH của ông(bà) nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì được coi là khám chữa bệnh không đúng tuyến, ông(bà) được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nọi chú trong phạm vi quyền lợi BHYT. Nếu ông(bà) đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện của Nam Định thì được coi là khám chữa bệnh đúng tuyến.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: LAD

Minh Sang , Nam - 27  Tuổi

Thưa BS Hường, điều kiện để khám chữa bệnh theo BHYT ở BV Việt Đức là gì ạ? Khi vào khám, bệnh nhân cần làm thủ tục gì và ở đâu? Xin cảm ơn bà

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Bệnh viên hữu nghị Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối về ngoại khoa. Người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi quyền lợi của mức thẻ khi: người bệnh có giấy giới thiệu chuyển tuyến đúng quy định hoặc người bệnh trong tình trạng cấp cứu. 

Khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện người bệnh cần mang theo thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh như chứng minh thư, hộ chiếu...và giấy giới thiệu chuyển viện.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần mang các giấy tờ khác (nếu có) như: giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm liên tục, hoặc biên lai thu phí dịch vụ của các đợt khám trước... để được hưởng đầy đủ quyền lợi.

{keywords}
Ông Lê Văn Phúc đang giải đáp các thắc mắc về khám chữa bệnh BHYT. Ảnh: LAD

Trần Lực , Nam - 50  Tuổi

1/ Vì sao chỉ mua gói bảo hiểm chậm 1 ngày cũng bị phủ nhận cả một quá trình mua bảo hiểm nhiều năm ? 2/ Vì sao phải có chi phí y tế bằng 6 tháng lương cơ bản thì mới được hưởng chính sách không đồng chi trả ? 3/ Vì sao chỉ được chọn cơ sở KCB trong cùng địa bàn quận huyện mà không phải ở các cơ sở thuộc quận khác ( Dù là cơ sở rất vắng khách )?

Ông Lê Văn Phúc:

1. Theo quy định của luật BHYT có hiệu lực từ 2015, TH tham gia BHYT gián đoạn dưới 3 tháng trong năm tài chính vẫn được coi là tham gia BHYT liên tục.

2. Luật BHYT quy định Vấn đề này nhằm giảm bớt khó khăn cho những bệnh nhân có chi phí điều trị lớn trong năm.

3. Theo quy định hiện hành, người có thẻ BHYT có thể lựa chọn bất kì cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện nào để đăng kí khám chữa bệnh ban đầu không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ngoài ra thực hiện quy định về thông tuyến thì người có thẻ BHYT còn có thể đến bất kì một bệnh viện tuyến huyện nào trên cả nước để khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả như bệnh nhân khám chữa bệnh đúng tuyến.

Quốc Anh , Nam - 50  Tuổi

Tôi muốn mua BHYT tự nguyện gần nơi ở khu Trung Tự thì có được chọn lựa đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo ý mình không? Ở những BV nào hay phải theo quy định và phải đăng ký mua ở đâu?

Ông Lê Văn Phúc: Ông có thể truy cập vào trang web BHXH thành phố Hà Nội để biết danh sách các cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu để lựa chọn nơi đăng kí phù hợp theo hướng dẫn.

Hồng Anh , Nữ - 35  Tuổi

Với người bệnh cấp cứu vào Việt Đức, làm thế nào để được hưởng BHYT? Cảm ơn bà

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào ông bà, trường hợp người bệnh cấp cứu để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Người bệnh không cần xin giấy giới thiệu chuyển tuyến của tuyến dưới. 

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Bích Hường trả lời trực tuyến các thắc mắc của bạn đọc. Ảnh: LAD

Hà Huế , Nữ - 35  Tuổi

Từ ngày 01/01/2016, Người có thẻ BHYT đã được thông tuyến huyện trên toàn quốc khi đi khám chữa bệnh hay chưa?

Ông Lê Văn Phúc: Theo quy định từ 1/1/2016, người có thẻ BHYT đăng kí khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được khám chữa bệnh tại các cơ sở nêu trên trong phạm vi tỉnh, và được khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả như khám chữa bệnh đúng tuyến.

Trịnh mai hương , Nữ - 28  Tuổi

Những đơn vị nào của tư nhân ở Hà Nội tương đương với bệnh viện tuyến huyện.Và nếu em muốn đăng kí BHYT lên tuyến tỉnh để khám chữa bệnh có được không, nếu được thì cần những gì?

Ông Lê Văn Phúc: Tùy thuộc bạn là đối tượng tham gia BHYT nào thì được đăng kí ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, Đề biết rõ các quy định cụ thể, danh sách các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu trên địa bàn Hà Nội, mời bạn truy cập vào trang web BHXH thành phố Hà Nội.

trân văn nam , Nữ - 34  Tuổi

Cho cháu hỏi cháu ở huyện Thanh trì thẻ BHYT của cháu ở bệnh viện đa khoa Thăng Long cháu thấy bảo khám bệnh được thông tuyến nhưng cháu khám ở bệnh viên Ngọc Hồi thì nhận viên bảo trái tuyến chưa có quyết định thông tuyến a. Vậy khi nào thì mới chính thưc đươc khám thông tuyến ạ.

Ông Lê Văn Phúc: Quy định thông tuyến chỉ áp dụng đối với việc khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện. Bệnh viện Ngọc Hồi là bệnh viện tuyến tỉnh nên không được áp dụng thông tuyến, đến 2021 mới áp dụng thông tuyến tỉnh trong toàn quốc.

Hồ ngọc thanh , Nam - 37  Tuổi

Tôi thấy luật bảo hiểm mới có hiệu lực từ 01/01/2016 là như thế nhưng sao tôi khám bệnh ở tuyến huyện (huyện Bù Đốp) và tuyến xã (xã Phú Riềng) tôi vẩn phải chịu mức phí là 20%. Xin hảy giải thích dùm, cảm ơn

Ông Lê Văn Phúc: Hiện tại mức cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh với một số nhóm đối tượng vẫn được luật BHYT quy định. Ví dụ như người lao động, người tham gia BHYT theo hộ gia đình, học sinh sinh viên, ....Tuy nhiên khi khám chữa bệnh tại tuyến xã hoặc chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì không phải cùng chi trả 20%.

Tuấn Nghĩa , Nam - 29  Tuổi

Theo quy định mới, nếu khám bệnh ở BV Việt Đức, vậy tôi có được thanh toán lại một phần nào chi phí khám bệnh không? Nếu có, tôi được trừ ngay số tiền miễn giảm hay phải về BHXH địa phương để nhận lại. Rất mong BV giải đáp?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào bạn, trong trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến tại bv Việt Đức nếu bạn xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi vào điều trị nội trú bạn sẽ được hưởng 40% trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng của thẻ (nếu các bạn chỉ khám bệnh thì không được hưởng chế độ BHYT tại bệnh viện).

Trường hợp bạn không xuất trình thẻ tại bệnh viện bạn có thể mang biên lai thu phí và các giấy tờ có liên quan về cơ quan BHXH nơi bạn đăng kí thẻ để được thanh toán lại một phần chi phí. Tuy nhiên mức thanh toán lại thường thấp hơn mức hưởng tại bệnh viện vì vậy tôi khuyên bạn nên trình thẻ để được hưởng chế độ ngay tại bệnh viện. 

Lê Duy Hùng , Nam - 27  Tuổi

Người dân được hưởng nhiều quyền lợi từ BHYT, nhưng ai là người bảo vệ quyền lợi cho bác sĩ? Bác sĩ là những người được đào tạo 6 năm mòn mỏi, kiến thức chuyên môn phải vững vàng mới có thể cứu người, và việc điều trị cho bệnh nhân là điều trị trên cá thể không thể mọi bệnh nhân đều điều trị một cách giống nhau, đó là nghệ thuật để điều trị. Ấy vậy mà bảo hiểm luôn áp những quy chế rất cứng nhắc vào ngành y, chỉ soi để bắt bẻ từng lỗi nhỏ của y bác sĩ để xuất toán: thông tiểu mà viết là thông đái => xuất toán, in đơn thuốc bằng máy không viết tay => xuất toán, bệnh nhân không có mặt tại phòng => xuất toán vào bác sĩ... Chúng tôi cũng là người làm công cho nhà nước, lương 3 4 tr/ tháng, mà xuất toán trừ vào chúng tôi thì gia đình chúng tôi sống bằng gì? Ai bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi trong môi trường làm việc độc hại, mối huy hại từ chính người nhà bệnh nhân, rồi bây giờ là từ bảo hiểm xã hội. Hệ luỵ khi BHXH luôn áp đặt chúng tôi 1 cách cứng nhắc là phải giảm mọi chi phí để đảm bảo không quá 5 triệu/1 bệnh án, người thiệt thòi lại chính là bệnh nhân, không dám dùng thuốc tốt nhất, không được dùng phương pháp điều trị tốt nhất... Rồi lại một vòng luẩn quẩn không thể phát triển lên được.

Ông Lê Văn Phúc: Bộ Y Tế là cơ quan quy định về quy chế chuyên môn, hướng dẫn điều trị. Cơ quan BHXH chỉ thực hiện theo các quy định này. Tôi khẳng định không có chuyện chỉ vì viết sai lỗi chính tả hay thuật ngữ vùng miền mà cơ quan BHXH không thanh toán như bạn đã nêu. Nếu xảy ra tình trạng như bạn phản ánh bạn có thể gửi email đến ban thực hiện chính sách BHYT (phongchedobhyt@gmail.com), chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bác sỹ.

Chu Văn Tập , Nam - 60  Tuổi

Tôi có thẻ BHYT được khám chữa bệnh ban đầu tại Viện Y học cổ truyền Quân đội. Nếu tôi thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội thì có được hưởng quyền lợi như khám, chữa bệnh ở VIện Y học cổ truyền Quân đội không?

Ông Lê Văn Phúc: Bệnh viện Thanh Nhàn là bệnh viện thuộc tuyến tỉnh vì vậy bạn đến khám tại đây thì bạn chỉ được quỹ BHYT thanh toán theo mức 60% chi phí khám chữa bệnh nội trú.

Phạm Thị An , Nữ - 37  Tuổi

Bố em bị bệnh vỡ mạch máu não đang điều trị tại BV Việt Đức. Chi phí rất tốn kém nhưng lại không có thẻ bảo hiểm y tế. Gia đình muốn mua thẻ bảo hiểm y tế cho ông, thủ tục như thế nào mới được hưởng thẻ bảo hiểm.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Trước đây nhà nước áp dụng chính sách thu một phần viện phí, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp. Từ năm 2016 nhà nước đã bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ BHYT. 

Trường hợp của bố bạn gia đình có thể liên hệ để mua BHYT tại địa phương nơi đang cư trú. Bạn cần tìm hiểu xem bố bạn có thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo... để đề nghị được ngân sách hỗ trợ một phần khi mua thẻ. Ngoài ra, để giảm mức đóng bạn cũng nên xem xét để mua thẻ cho bố bạn và toàn bộ người thân theo nhóm hộ gia đình. Khi mua theo hộ gia đình người đầu tiên phải đóng 100% mức thẻ từ người thứ hai, ba, tư và thứ năm trở đi mức đóng được giảm lần lượt là 70%, 60%, 50% và 40%. Người mua thẻ lần đầu sẽ được nhận thẻ sau 1 tháng kể từ ngày nộp tiền.

Chúc bố bạn sớm bình phục và bạn nhớ mua thẻ cho cả gia đình nhé, không nên lựa chọn chỉ mua

Nguyễn Duy Công , Nam - 64  Tuổi

Tôi đã về hưu tại Hà Nội được cấp thẻ BHYT khám bệnh tại Hà Nội. Nay tôi chuyển vào sống tại TP Đà Nẵng. Vậy việc khám của tôi được hưởng chế độ như thế nào? Có được hưởng khám như tại Hà Nội không? Mong được hướng dẫn. xin cảm ơn.

Ông Lê Văn Phúc: Nếu thẻ BHYT ở Hà Nội ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu ghi tại Bệnh viện tuyến thành phố, trung ương thì khi vào Đà Nẵng ông cũng được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tương đương tuyến bệnh viện ghi trên thẻ BHYT. TH trên thẻ ông ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu là các cơ sở khám chữa bệnh quận huyện thì vào Đà Nẵng ông cũng được khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở tương đương. Lưu ý khi đi khám chữa bệnh ngoài thẻ BHYT ông cần xuất trình thêm giấy đăng kí tạm trú.

Hà Min , Nữ - 28  Tuổi

Tôi nghe nói bệnh viện Việt Đức thuộc nhóm các bệnh viện thực hiện nhiều cải cách để bệnh nhân đi khám BHYT bớt khổ. Vậy đó là những cải cách nào, áp dụng từ khi nào thưa BS

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Cám ơn bạn đã quan tâm tới bệnh viện Việt Đức. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế trong thời gian qua bệnh viện Việt Đức đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lương chuyên môn, chất lượng dịch vụ. Cụ thể:

Bệnh viện huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư xây mới thêm 1 khu điều trị kỹ thuật cao với 400 giường bệnh và các phongmổ mới với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đồng thời chúng tôi cũng cải tạo nâng cấp mở khu khám bệnh và các khu vực điều trị nên cơ sở vật chất, trang thiết bị được mở rộng, nâng cấp nhiều góp phầnnâng cao chất lương điều trị

Bệnh viện cũng quyết liệt triển khai thực hiện chương trình thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện phong trào bệnh viện xanh sạch đẹp; triển khai đường dây nóng, hòm thư góp ý, thành lập phòng công tác xã hội hỗ trợ người bệnh. Vì vậy, tình trạng quá tải giảm đi nhiều người bệnh đến khám chữa bệnh được phục vụ ngày một tốt hơn. Trong bệnh viện không có sự phân biệt giữa người bệnh BHYT và người bệnh không BHYT. 

Nguyễn Vân , Nữ - 35  Tuổi

Tôi muốn biết trách nhiệm của bộ Y tế đến đâu khi các trung tâm y tế, phòng khám mà người mua bảo hiểm chọn chẩn đoán bệnh sai gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh (ở đây là người có bảo hiểm y tế). Có phải ai cũng muốn lao lên vượt tuyến đâu, chỉ vì chất lượng y - bác sỹ tuyến dưới quá kém thôi.

Ông Lê Văn Phúc: Thời gian qua, ngành y tế cũng đã có nhiều đổi mới về cơ sở vật chất nhân lực y tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh của các cơ sở tuyến dưới. Tuy nhiên vẫn còn những cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, tỷ lệ người bệnh lựa chọn khám chữa bệnh các cơ sở tuyển tỉnh còn cao. Bộ Y Tế sẽ tiếp tục quan tâm để nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại tuyến dưới để giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí cho bệnh nhân khi phải chuyển tuyến.

Trần Nam Thắng , Nam - 42  Tuổi

Vi sao người bệnh cứ phải xin giấy chuyển tuyến?

Ông Lê Văn Phúc: Quy định chuyển tuyến để duy trì tuyến trong hệ thống khám chữa bệnh. Cụ thể các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện xã thực hiện việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, các bệnh viên tuyến tỉnh, trung ương khám chữa bệnh chuyên sâu. Nếu không duy trì tuyến sẽ tạo nên sự quá tải ở tuyến trên, và mất cân bằng trong khám chữa bệnh.

CẨM HẰNG , Nữ - 33  Tuổi

Cho em hỏi là BHYT có chi trả mổ mắt cận không ạ?

Ông Lê Văn Phúc: Theo quy định của Luật BHYT, quỹ BHYT không chi trả đối với TH mổ mắt cận trừ trẻ em dưới 6 tuổi.

Đỗ Duy Tín , Nam - 65  Tuổi

Cháu tôi sinh 28-1-2011 đên hết tháng 1-2017 này hết hạn bảo hiểm y tế, mà đến tháng 9-2017 cháu mới vào lớp Một trường Tiểu học (hiện cháu đang học mẫu giáo lớn trường Mầm non) .. Vậy cho xin hỏi cháu tôi muốn có thẻ BHYT tiếp thì thế nào ? Xin cám ơn.

Ông Lê Văn Phúc: Hiện nay luật BHYT quy định trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. TH trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến ký nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó. TH cháu bạn, thẻ BHYT có giá trị đến ngày 30/9/2017. Sau đó khi cháu bạn nhập học vào lớp 1 sẽ tham gia BHYT theo hình thức học sinh.

Nguyễn Văn Hòa , Nam - 62  Tuổi

Chúng tôi rất vui khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Nhưng làm sao để người dân dễ dàng phân biệt bệnh viện nào thuộc tuyến huyện. Chỗ tôi ở có bệnh viện Việt Nam - Thụy điển Uông Bí trước đây Uông Bí là thị xã như vậy được hiểu là tương đương tuyến huyện nay Uông Bí lên thành phố thuộc tỉnh vậy bệnh viện trên thuộc tuyến nào ?

Ông Lê Văn Phúc: Để biết rõ bệnh viện thuộc tuyến nào, bạn vào trang web sở Y tế hoặc BHYT tỉnh sẽ có đầy đủ thông tin về cơ sở khám chữa bệnh như phân hạng, phân tuyến. Bệnh viên Việt Nam - Thụy điển Uông Bí là bệnh viện hạng 1 tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y Tế.

Nguyễn Đại Trường , Nam - 36  Tuổi

Tôi có thẻ BHYT ở Quảng Bình, tôi ra Hà Nội công tác, vào bệnh viện 108 khám bệnh, tôi được hưởng BHYT như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Nếu bạn đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tương đương với tuyến bạn đăng kí thì bạn được hưởng đầy đủ quyền lợi. Bạn vào bệnh viện 108 là vượt tuyến nên bạn chỉ được hưởng 40% trong phạm vi quyền lợi mức hưởng của thẻ khi điều trị nội trú. Nếu bạn khám bệnh thì bạn không được hưởng chế độ tại viện.

Nguyễn Quốc Tuấn , Nam - 54  Tuổi

Tôi tham gia BH liên tục trên 5 năm,đăng ký KCBBĐ tại phòng khám đa khoa Sài Gòn, bản thân tôi có bệnh vẩy nến. Vậy nếu tôi muốn khám và chữa bệnh tại bệnh viện da liễu TP.HCM thì phải thực hiện như thế nào? Xin cám ơn

Ông Lê Văn Phúc: Phòng khám đa khoa Sài Gòn không điều trị được bệnh vẩy nến của bạn thì phòng khám có trách nhiệm chuyển bạn lên bệnh viện da liễu TPHCM, khi đó bạn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.

Lam Vũ , Nữ - 36  Tuổi

BHYT của tôi có mã K2, nếu khám ở bệnh viện Việt Đức tôi được BHYT hỗ trợ chi trả như thế nào? xin chân thành cảm ơn

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào bạn, nếu bạn đến khám tại bệnh viện Việt Đức đúng tuyến bạn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi mức hưởng của thẻ quy định. Trường hợp bạn đến khám chữa bệnh và phải vào viện điều trị nội trú bạn được hưởng 40% trong phạm vi mức hưởng. Nếu bạn chỉ đến khám bệnh thì bạn không được hưởng chế độ BHYT tại viện. 

nguyễn ngọc lễ , Nam - 47  Tuổi

Người đang ở tuyến huyện có tham gia BHYT, mà bị bệnh nặng không thông qua tuyến huyện mà đi thẳng tuyến Tỉnh hoặc tuyến TW thì BHYT có thanh toán 100% không?

Ông Lê Văn Phúc: Luật BHYT quy định TH người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được khám chữa bệnh tại các bệnh viện hoặc TH tuyến liền kề không điều trị, hoặc thực hiện được dịch vụ kĩ thuật đó thì được chuyển thẳng lên tuyến trên. TH bạn tự đi thì sẽ được thanh toán BHYT mức trái tuyến.

Thúy Hạnh , Nữ - 42  Tuổi

Mẹ tôi năm nay 62 tuổi có tham gia BHYT và đăng ký khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế Huyên Mê Linh - TP Hà Nội (gia đình tôi hộ khẩu tại huyện Mê Linh HN). Khi làm thủ tục chuyển viện để phẫu thuật tim 2 lá thì Trung tâm y tế huyện Mê Linh chỉ cho mẹ tôi được chuyển viện xuống BV Thanh Nhàn hoặc Bệnh viện tim mạch (28 Trần Hưng Đaọ). Tuy nhiên tôi muốn chuyển xuống BV Việt Đức hoặc BV E để phẫu thuật, nhưng Trung tâm y tế huyện không nghe.Trung tâm YT huyện nói trái tuyến sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế. Vì vậy nhờ tư vấn giúp tôi như vậy có đúng không và nếu tôi muốn chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức hoặc Bệnh viện E thì có được hưởng BHYT không và được hưởng bao nhiêu % chi phí khám chữa bệnh? Và chi trả của BHYT đối với phẫu thuật tim thì được hưởng mức là bao nhiêu?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Trung tâm y tế Mê Linh là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện khi chuyển tuyến bệnh nhân thì phải chuyển lên chuyến tỉnh, thành phố. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến tỉnh thì các cơ sở nay sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương để điều trị . Bênh viện tim Hà Nội có đủ điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất để xử lý hầu hết các bệnh lý tim mạch cần điều trị bằng phẫu thuật.

vũ quang thắng , Nam - 40  Tuổi

Tôi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại bệnh viện y học cổ truyền Bộ Công an. khi tôi đến yêu cầu được khám một số bệnh: răng, xương, mắt và da liễu. Sau khi khám va xét nghiệm, các bệnh khác bác sĩ có kết luận và cho đơn thuốc điều trị (ngoại trú). Với bệnh da liễu bác sĩ yêu cầu nằm viện để điều trị. Tôi hỏi bệnh gì là nấmm hay viêm da, bác sĩ nói: không biết. muốn biết chuyên sâu phải ra bệnh viện da liễu trung ương mới chính xác được. Tôi đề nghị được lấy đơn thuốc đã kê đồng thời xin giấy giới thiệu đến BV Da liễu TƯ để tiếp tục khám chữa nhưng BS cho biết: nếu đã lấy đơn thuốc đã kê thì không được cấp giấy giới thiệu ra BV da liễu TƯ nữa hoặc là được cấp giấy giới thiệu thì không được cấp đơn thuốc đã kê. Cho tôi hỏi BV Y học cổ truyền Bộ Công an làm như vậy có đúng quy định không? Trường hợp để tôi nằm điều trị bệnh da liễu tại viện thì phải biết là bệnh gì? Nếuu không có chuyên môn sâu về da liễu thì phải giới thiệu cơ sở khám chữa bệnh khác chứ. nếu là quy định cứng nhắc thì gây phiền hà cho bệnh nhân hay không? Kính mong được giải đáp

Ông Lê Văn Phúc: Để kê được đơn thuốc bác sỹ khám bệnh phải xác định được người bệnh mặc bệnh gì, tình trạng ra sao. Trong TH chưa xác định được chẩn đoán thì phải giới thiệu bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm hoặc chuyển bệnh nhân lên các bệnh viên chuyên khoa tuyến trên.

Hồng Ánh , Nữ - 30  Tuổi

Giá viện phí tăng ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân có bảo hiểm y tế?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào bạn giá viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng tính đủ (tăng) người bệnh BHYT được hưởng lợi nhiều. Khi viện phí tinh đủ các cơ sở khám chữa bệnh có đủ kinh phí để đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Khi điều chỉnh giá viện phí, cơ sở khám chữa bệnh không được cấp ngân sách, toàn bộ nguồn thu phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ y tế nên buộc các cơ sở khám chữa bệnh phải phấn đấu nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lương dịch vụ để người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sơ của mình, mặt khác khi giá viện phí đã tính đủ người bệnh không phải nộp thêm các chi phí trước đây chưa có trong cơ cấu giá. Phần chênh lệch do gía viện phí tăng người bệnh chỉ phải nộp thêm 0; 5; hoặc 20%. 

Vũ minh Hiếu , Nam - 68  Tuổi

Tôi có người bà con, 88 tuổi. Hiện ở với tôi đã trên 20 năm. Nhưng không có hộ khẩu, do bỏ quê vào ở với gia đình tôi đã lâu. Không có hộ sơ gốc. Tôi xin mua BHYT cho bà, thì Phường cũng như Thành phố trả lời là do lớn tuổi nên nhà nước cấp miễn phí. Nhưng không có hộ khảu thì không cấp được. Tôi nói rằng tôi không xin cấp mà tôi tự nguyện xin mua. Do không có hộ khẩu nên Phường hay Thành phố cũng không bán. Vậy tôi phải làm sao cho bà mua được BHYT mà không có hộ khẩu. Làm hộ khẩu chắc chắn là không được vì quá nhiêu khẻ. Xin trân trọng cám ơn.

Ông Lê Văn Phúc: trước hết bạn đăng kí hộ tịch cho bà của bạn theo đúng quy định để có thể mua BHYT cho bà. Vì hiện nay mua thẻ BHYT theo hộ gia đình vẫn phải có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Tạ Chung , Nam - 27  Tuổi

Nhà tôi ở Sóc Sơn hà nội, nhưng do giáp với Thị xã Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi có thể đăng ký KCB ban đầu tại BV đa khoa khu vực Phúc Yên của tỉn Vĩnh Phúc được ko. Xin cảm ơn.

Ông Lê Văn Phúc: Bộ Y Tế đã Quy định về khám chữa bệnh BHYT giáp danh và giao cho sở y tế và BHYT tỉnh phối hợp để thực hiện. Tại hai địa phương này không kí khám chữa bệnh giáp danh tại hai huyện trên nên bạn không thể đăng kí khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên. Tuy nhiên bệnh viện huyện Sóc Sơn có thể chuyển tuyến bệnh nhân lên bệnh viện này theo chế độ BHYT.

Việt Nga , Nữ - 33  Tuổi

Nếu tôi có BHYT có được khám tổng quát tất cả các loại bệnh không? Hay chỉ đau bệnh mới được khám? Hôm trước tôi vào BV đăng kí BHYT xin tầm soát ung thư nhưng bị thẳng thừng từ chối và được trả lời bệnh viện chỉ khám những người bị bệnh, không khám cho người khỏe. Xin tư vấn giúp, xin cảm ơn

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào bạn, để bảo vệ an toàn quỹ luật BHYT quy định những trường hợp khám bệnh không được hưởng BHYT như: khám tổng quát  hoặc tầm soát ung thư. 

Kim Thu Thương , Nữ - 46  Tuổi

Theo như những thay đổi trong việc đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu. Chúng tôi có thể đăng ký được ở bệnh viện tư. Vậy cho tôi hỏi: Tôi có thể đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh Viên Hồng Ngọc có địa điểm tại tòa nhà Keangnam không?

Ông Lê Văn Phúc: Đề nghị bạn truy cập website của BHYT TP Hà Nội để biết danh sách các cơ sở KCB ban đầu hoặc liên hệ tại các cơ quan BHXH quận huyện.

nguyễn quang lâm , Nam - 34  Tuổi

Cơ quan bhxh huyện lạc sơn tỉnh hòa bình cấp đổi thẻ bhyt. Gây khó khăn cho người tham gia. Vd như khi thẻ bhyt sai thông tin ma muốn sửa lại rất khó khăn. Kính mong bhxh việt nam kiểm tra lại.

Ông Lê Văn Phúc: Về vấn đề này chúng tôi sẽ liên hệ để kiểm tra ngay và sẽ liên hệ với bạn theo thông tin của bạn.

Minh Tuấn , Nam - 35  Tuổi

Tôi xin được hỏi, BHYT nhiều đổi mới vì dân thì đó là những đổi mới nào? Tôi thấy toàn là tăng giá thì đâu vì dân được?

Ông Lê Văn Phúc: Những đổi mới quan trọng trong luật BH sửa đổi hướng tới tăng quyền lợi cho người bệnh đó là:

- Quỹ BHYT thanh toán cho tất cả các TH bị tại nạn giao thông, lao động, bệnh nghề nghiệp mà trước đây không được thanh toán.

- Thanh toán 100% khi chi phí KCB vướt quá 6 tháng lương cơ sở và có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục.

- Nhiều đối tượng được giảm mức đồng chi trả như người nghèo từ 5% xuống 0%,......

Lê Sơn , Nam - 52  Tuổi

Xin chuyên gia cho hỏi một số vấn đề sau: Khi mà BHYT là đóng bắt buộc và việc đi khám lại là ràng buộc thì có sòng phẳng hay không?( Ràng buộc là: Khám đúng tuyến, phải nhập viện mới được chụp phim, xét nghiệm..v,v.) Nếu chỉ vì sợ quá tải, tại sao không thể hiện sự bình đẳng ở trên bằng cách điều tiết tỷ lệ % cho trường hợp trái tuyến như trước đây?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: chào ông, khi ông đi khám bệnh nếu có triệu chứng hoặc nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định phải làm các xét nghiệm, chụp phim, siêu âm..để xác định bệnh không phải chỉ người bệnh điều trị nội trú mới được làm các dịch vụ kĩ thuật trên.

BHYT quy định phải khám ngang tuyến, đúng tuyến (trừ trường hợp cấp cứu) ngoài việc tránh quá tải nhưng quan trọng hơn là bảo đảm cho người bị bệnh nặng được khám chữa bệnh đúng chỗ. Nếu tất cả người dân đều về khám bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ gây vất vả, tốn kém cho bản thân họ đồng thời các bệnh viện cũng không đủ sức để đáp ứng.

Tham gia BHYT là chia sẻ rủi ro, người khỏe mạnh đỡ cho người yếu vì vậy chính sách bảo hiểm mới tập trung hỗ trợ cho người bị bệnh, đây cũng là thể hiện sự nhân văn của xã hội chúng ta. 

trần thị minh Hạnh , Nữ - 50  Tuổi

Tôi là CBCNVC tham gia bảo hiểm y tế nhưng ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bắt chúng tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo sự phân luồng của bảo hiểm y tế, như vậy có đúng không ? Tôi có quyền được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo ý muốn không ? Giới hạn lựa chọn là như thế nào ?

Ông Lê Văn Phúc: Theo quy định người có thẻ BHYT có thể lựa chọn nơi đăng kí KCB ban đầu tại bất kì cơ sở KCB tuyến huyện nào phù hợp với nơi cư trú hoặc làm việc trừ trường hợp bệnh viện cơ sở mà bạn lựa chọn đã có số lượng thẻ BHYT đăng kí quá lớn, không đảm bảo thêm được nữa.

Trần Thị Thy Hương , Nữ - 40  Tuổi

Tôi đang có thẻ BHYT tại bệnh viện Trưng Vương,nhưng tôi muốn khám tại Bệnh viện nhân dân Gia Định có được không ? Mức đóng có giống như ở Bệnh viện Trưng Vương không ?

Ông Lê Văn Phúc: TH của bạn nếu đến khám ở bệnh viện nhân dân Gia Định được coi là khám trái tuyến, Quỹ BHXH chi trả 60% chi phí khám chữa bệnh nội trú trong phạm vi quyền lợi.

Huyền My , Nữ - 32  Tuổi

Trước khi áp dụng chính sách BHYT mới, tôi đi khám thai ở bệnh viện Bưu điện (cơ sở đăng kí khám chữa bệnh ban đầu) được miễn phí 100%. Sau khi áp dụng chính sách mới, tôi phải trả thêm mấy chục nghìn cho tiền siêu âm. Con người vẫn vậy, dịch vụ vẫn thế, quy trình khám y nguyên. Tôi không hiểu đổi mới BHYT có lợi hơn ở điểm nào, xin giải thích giúp. Cảm ơn

Ông Lê Văn Phúc: Bệnh Viện Bưu Điện là đơn vị thuộc tổng công ty Bưu Chính Viễn Thông, tự chủ hoàn toàn về tài chính, do vậy để đảm bảo hoạt động bệnh viên thu thêm chênh lệch giá dịch vụ y tế như bạn nêu. Về vấn đề này BHXH Hà Nội đã có văn bản đề nghị bệnh viện không thu chênh của người bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu BHXH TP Hà Nội đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có thẻ BHYT theo đúng quy định của luật.

Lý Thị Kim Trúc , Nữ - 48  Tuổi

Khi khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, theo tôi được biết thẻ BHYT của tôi thuộc cơ sở khám và chữa bệnh của Thành phố hay thuộc Tỉnh thì có thể khám bất kỳ bệnh viện cùng tuyến. Nhưng nếu trường hợp cấp cứu, tôi chuyển đến bệnh viên trái tuyến với thẻ BHYT thì tôi có được hưởng đầy đủ chế độ theo BHYT của tôi hay không? Mong được ý kiến trả lời. Chân thành cảm ơn!

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: chào bà, các trường hợp cấp cứu người bệnh có thể vào mọi các cơ sở khám chữa bệnh (có hợp đồng với cơ quan BHYT) và được hưởng đầy đủ trong phạm vi quyền lợi của thẻ. Người bệnh cần xuất trình thẻ trước khi ra viện.

Võ Thị Thanh Xuân , Nữ - 75  Tuổi

Tôi năm nay 75 tuổi, có thẻ bảo hiểm y tế tại TP HCM, 100%. Tôi hiện nay con cái đều ở nước ngoài, các con khuyên tôi nên vào Trung tâm dưỡng lão để ở đề phòng bị bệnh bất chợt ban đêm hoặc ngày mà không ai biết. Tôi đã chọn Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái ở Đại Đồng, Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội là nơi đến ở. Vậy tôi có thể chuyển được bảo hiểm y tế ra Hà Nội mà vẫn được hưởng chế độ bảo hiệm 100% hay không? Nếu được thì làm cách nào, hãy chỉ cho tôi cách làm nhé. Rất cảm ơn

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào bà, thẻ bảo hiểm của bà đăng kí tại TP HCM nếu bà muốn hưởng bảo hiểm tại Hà Nội ngoài các giấy tờ theo quy định bà cần có thêm giấy đăng kí tạm trú tại Hà Nội. Bà được quyền khám tại các bệnh viện ngang tuyến với bệnh viện bà đã đăng kí tại TP HCM. Kính chúc bà sức khỏe!

Nguyễn Văn Thuận , Nam - 45  Tuổi

Tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở Lục Nam Bắc Giang Nhưng tôi muốn chữa thoát vị đĩa đệm tại bệnh viên Việt Đức xin cho hỏi tôi có được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế không? tye lệ bao nhiêu %? và thủ tục như thế nao?

Bà Nguyễn Thị Bích Hường: chào ông, để được hưởng đầy đủ chế độ khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện hữu nghị Việt Đức ông cần đến khám tại bệnh viện huyện Lục Nam hoặc các bệnh viện tương đương cùng tuyến. Các bệnh viện này sẽ chuyển tuyến cho ông lên bệnh viện tỉnh. Nếu thấy bệnh của ông vượt quá khả năng điều trị bệnh viện tỉnh sẽ giới thiệu ông lên bệnh viện Việt Đức. Trong trường hợp này ông sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi thẻ quy định. 

Nếu ông đến bệnh viện Việt Đức vượt tuyến ông sẽ được hưỏng 40% trong phạm vi quyền lợi thẻ. 

Tiêu hoàng Nguyên , Nam - 57  Tuổi

Anh ruột năm nay 58 tuổi, cư ngụ tại đây đã trên 10 năm nhưng chưa nhập hộ khẩu, dù đã có đơn xác nhận của Công an Phường để anh tôi mua BHYT mà vẫn không mua được vì bảo rằng phải có CMND. Liệu có phải quá cứng nhắc hay không trong khi kêu gọi mọi người nên mua BHYT. Phải biết rằng rất nhiều người nghèo muốn tiếp cận BHYT nhưng khi mua mà như đi xin vậy. Vậy thì lo cho sức khoẻ người dân ở chổ nào?

Ông Lê Văn Phúc: Hiện nay đối với người đã ĐK tạm trú muốn tham gia BHYT chỉ cần kê khai và chịu trách nhiệm trước nội dung mình kê khai theo mẫu quy định của BHXH Việt Nam, người dân không cần bất cứ xuất trình thêm giấy tờ gì nữa.

Hoàng Hào , Nam - 30  Tuổi

Tôi ở phường Tân Biên. Bây giờ muốn mua bảo hiểm tại bênh viện Thống Nhất để dễ dàng cho việc đi khám bệnh.Nhưng khi lên mua tại bệnh viện thì nhân viên tư vấn phải về P.Tân Biên mua hoặc có toa thuốc có bệnh mãn tính đang điều trị tại bênh viện thì bệnh viện sẽ bán ngay tại bệnh viện. Tôi lên phường hỏi mua thì ở đây chỉ có bảo hiểm tại bệnh viện Đồng Nai trong khi đó có một số người vẫn mua tại phường được thẻ bảo hiểm tại Thống Nhất với giá trên 800.000 đồng.Vậy cho tôi hỏi muốn mua bảo hiểm tai Thống Nhất thì phải làm thế nào ?

Ông Lê Văn Phúc: Hiện nay, việc người dân muốn mua BHYT theo hộ gia đình thì thông qua các đại lý của cơ quan BHXH, Mức mua BHYT chỉ có duy nhất một mức là 4.5% mức lương cơ sở. Vấn đề trên của ông chúng tôi sẽ có kiểm tra và trả lời ông.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet