- Nghe tòa tuyên tăng hình phạt đứa con trai, người mẹ òa khóc rồi thét lên phản đối. Tình yêu đối với con khiến bà mất đi lý trí, mọi lý lẽ đều trở nên vô nghĩa, bà không cần biết đến nỗi đau mất con của gia đình bị hại, chỉ xót xa cho phần đời còn lại sống trong tù tội của đứa con trai.

Nước mắt mẹ

Bị cáo đứng trước vành móng ngựa với tội danh giết người tại phiên tòa hôm ấy là Nguyễn Thế Sơn (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM).

Theo nội dung vụ án, khoảng 20h ngày 4/8/2013, Nguyễn Thế Sơn cùng em họ là Nguyễn Huỳnh Khương Duy và Tuấn (không rõ lai lịch) đang ngồi uống nước thì thấy Đinh Kim Hoàng chạy xe ngang qua. Nhớ lại chuyện trước đây từng bị Hoàng đánh nên Sơn kể lại cho cả nhóm nghe rồi đuổi theo.

{keywords}

Gia đình bị cáo Sơn ngồi bệt bên chiếc xe tù

Thấy Hoàng chạy vào con hẻm, Sơn bảo Duy đứng ngoài đầu hẻm trông xe để Sơn và Tuấn vào phòng trọ tìm Hoàng nhằm giải quyết mâu thuẫn. Biết mình sẽ bị đánh, Hoàng nhặt một con dao cầm trên tay rồi nấp sau cánh cửa.

Thấy vậy, Tuấn ập vào dùng roi điện chích vào người Hoàng làm rơi con dao trên tay, Sơn lao đến nhặt dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người Hoàng dẫn đến tử vong. Hai ngày sau khi gây án, Sơn đến cơ quan công an đầu thú còn Tuấn đã bỏ trốn, hiện đang bị công an truy nã.

Với hành vi trên, TAND TP.HCM nhận định nạn nhân cũng một phần có lỗi nên tuyên phạt Sơn mức án 20 năm tù về tội giết người. Bị hại không kháng cáo nhưng Viện kiểm sát đã kháng nghị bản án.

Viện kiểm sát cho rằng nạn nhân đã sợ hãi trốn trong phòng trọ nhưng Sơn vẫn tấn công đến cùng gây ra cái chết cho nạn nhân, gây đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân, hành vi của Sơn mang tính côn đồ, đề nghị tòa bác kháng cáo xin giảm án, tăng hình phạt đối với Sơn lên mức tù chung thân.

Đến dự phiên tòa phúc thẩm xét xử con trai, mẹ Sơn không giấu được sự hoang mang khi con bị đề nghị tăng hình phạt. Nỗi lo sợ òa vỡ khi tòa chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, tăng hình phạt với bị cáo lên mức tù chung thân. Tòa vừa dứt lời tuyên án, người mẹ òa khóc rồi thét lên phản đối.

Thấy mẹ Sơn khóc, một số người thân đi cùng khóc theo. Họ la hét, gây náo loạn khu vực hành lang phòng xử dù lực lượng bảo vệ tòa và cảnh sát hỗ trợ tư pháp giải thích, nhắc nhở nhiều lần. Khi thấy Sơn bị dẫn giải về phía phòng lưu phạm, người mẹ lật đật chạy xuống phía chiếc xe tù đang đỗ ở sân tòa án.

“Con ơi! Con ơi! Các người không giảm án thì thôi sao lại tăng án con tôi?”, người mẹ thét lên đau đớn rồi nằm chặn ngang trước bánh chiếc xe tù. Tình yêu đối với con khiến bà mất đi lý trí, mọi lý lẽ đều trở nên vô nghĩa, bà không cần biết đến nỗi đau mất con của phía gia đình bị hại, chỉ xót xa cho phần đời còn lại sống trong tù tội của đứa con trai.

Thấy gia đình bị cáo phản ứng gay gắt, cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải bị cáo qua một lối đi khác để lên xe về trại. Dưới bóng nắng, bên chiếc xe chở phạm, người mẹ vẫn khóc lóc, vật vã mãi.

Phút chết lặng của người cha

Trong phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đặng Văn Khuyến sát hại người yêu rồi thú nhận trên facebook diễn ra mới đây, dù hành vi của bị cáo đáng bị lên án gay gắt nhưng người dự khán không khỏi ngậm ngùi khi nhìn thấy người cha già nặng nề bước vào phòng dự phiên tòa xét xử con trai.

{keywords}

Cha của Đặng Văn Khuyến trong phiên tòa xét xử con.

Khi tòa mời lên thẩm vấn về việc bồi thường cho phía gia đình nạn nhân, ông Đặng Văn Dung (SN 1951, cha Khuyến) cho biết từ ngày xảy ra vụ án, ông đã đến gặp cha mẹ bị hại ba lần, muốn được bồi thường để khắc phục một phần hậu quả, làm tình tiết giảm nhẹ cho con.

Thế nhưng, mỗi khi đến, ông đều ra về trong tủi nhục, đớn đau vì bị gia đình cô gái từ chối thẳng thừng, họ không muốn nhận bất cứ thứ gì bởi đó sẽ là một tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Nghe Khuyến trình bày: “cha mẹ đã vất vả, đau đớn sinh ra bị cáo, nuôi dưỡng bị cáo mong bị cáo nên người, vậy mà bị cáo chưa phụng dưỡng được gì đã gây ra trọng tội, gây ra đau đớn cho cha mẹ. Bị cáo rất ân hận…”, ông Dung ngồi chết lặng, ánh mắt buồn vời vợi.

Nhà nghèo, vợ chồng ông làm ruộng vẫn luôn cố gắng nuôi con ăn học tử tế. Ông không ngờ khi vừa ra trường con đã rơi vòng vao lý với tội ác tày đình. Vụ án xảy ra, ông không có lỗi nhưng ông lại như kẻ phạm tội khi phải gánh món nợ oan nghiệt do con trai để lại.

Từ ngày vụ án xảy ra, ông phải lặn lội đến gặp gia đình bị hại nhiều lần, phải khẩn cầu nhưng đều nhận lại sự miệt thị. Thế nhưng, có lẽ với ông đau đớn hơn cả vẫn là bản án tử hình của đứa con trai.

Khi tòa bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án tử hình với Khuyến, tia hi vọng còn lại trong cặp mắt người cha tắt lịm. Không biết khi gây trọng án, các bị cáo có nghĩ đến giây phút này không?

M.Phượng