– Được Bộ trưởng Y tế “phỏng vấn”, người bệnh thật thà trả lời về thực tế khi đi khám chữa bệnh, đồng thời bày tỏ nỗi bức xúc khi bị bác sỹ ở bệnh viện đa khoa tỉnh quát mắng xơi xơi, dù bác sỹ chỉ bằng tuổi con út của mình.

Tuyến dưới khám không ra bệnh


Sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, chúc Tết bệnh viện và các bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai.

Khi đi thăm khoa Khám bệnh, Bộ trưởng đã gặp và có cuộc trao đổi ngẫu nhiên với bệnh nhân Chu Thị Tuyết Nhung – 70 tuổi, đến từ huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Bà Nhung cho biết ,bà đến lấy số khám từ 6h30, thời điểm Bộ trưởng trò chuyện với bà là gần 10h30, lúc này bà chỉ còn đợi kết quả xét nghiệm nước tiểu là quay lại gặp bác sỹ ở phòng khám để được kết luận và kê đơn thuốc.
 

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi bệnh nhân Chu Thị Tuyết Nhung về quá trình khám bệnh ở bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Cẩm Quyên)


Khi được Bộ trưởng Y tế hỏi về việc dạo gần đây đi khám có thấy nhanh hơn không, bà Nhung thật thà nói: “Gần đây đi khám có nhanh hơn, nhất là hôm nay nhanh hơn hẳn, ngày lễ ông Công ông Táo nên ít người đi khám”.

Bệnh nhân này cho hay bà có sử dụng thẻ BHYT và biết quyền lợi của mình là chỉ được hưởng 30% do tự vượt tuyến, không có giấy chuyển viện. Lý do bà vượt tuyến là do khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang không ra bệnh, còn sau khi điều trị ở bệnh viện Bạch Mai 8 ngày thì thấy đỡ.

“Sau đợt này bác về bệnh viện Bắc Giang khám cho khỏe nhé, bệnh viện Bắc Giang giỏi lắm, đến đó vừa gần vừa được hưởng 100%” – Bộ trưởng Y tế dặn dò.

Bác sỹ mắng người bệnh xơi xơi

Bộ trưởng Y tế vừa ra khỏi phòng, bà Nhung bất thình lình nhớ ra còn chuyện bức xúc chưa kịp kể nên chạy theo để tiếp tục cuộc trò chuyện. Trong lần trò chuyện này, bà không giấu được thái độ giận dữ. 

{keywords}
Bộ trưởng Y tế đề nghị các bệnh viện chọn đội ngũ trẻ trung, nhã nhặn phục vụ khoa Khám bệnh (Ảnh: Cẩm Quyên)


Bà Nhung cho biết bà đến khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang vào thứ 6 ngày 10/1. Từ đó đến tối chủ nhật (12/1), bà được tiêm vài mũi nhưng không có ai khám cho. Đến ngày thứ 2 tuần sau, bà vẫn sốt 39 độ, bủn rủn tay chân đau đầu chóng mặt song vẫn không có ai đến khám.

“11h trưa có người đến tiêm, đo huyết áp, tôi nhờ người này gọi bác sỹ khám giúp vì mệt quá. Cô bác sỹ sang (theo lời bà Nhung, vị bác sỹ này là trưởng khoa – PV) thì mắng tôi xơi xơi, không cho tôi tiêm vì không có người nhà, cắt kháng sinh vì cho rằng tôi không có bệnh, chỉ cao huyết áp, bảo tôi nằm đây bằng thừa trước mặt bao nhiêu người. Bác sỹ đó chỉ bằng tuổi con út của tôi”, bà Nhung vừa nói vừa thở hổn hển, sự bức xúc dường như chưa nguôi ngoai.

Cứ yên tâm nhé!

- Vào bệnh viện Bắc Giang, bác chờ có lâu không? Bệnh viện có quá tải không? – Bộ trưởng ngắt lời và hỏi

- Bệnh viện đông, giường cũng 2 người, nhưng 11h trưa rồi mà có ai khám cho tôi đâu?

- Sao bác không nói người nhà gọi đường dây nóng ấy?

- Tôi có biết đường dây ấy đâu

- Lần sau bác bảo người nhà gọi đường dây nóng cho gặp Giám đốc, trưởng khoa là người ta phải giải quyết cho bác. Có thể thái độ bác sỹ ấy chưa tốt nhưng cách xử lý chuyên môn của bác sỹ là đúng đấy, thực ra bác hơi cao huyết áp, chỉ cần điều trị ngoại trú không cần nằm điều trị nội trú cho khổ.

- Nhưng thứ 6 tôi vào viện rồi đến chủ nhật rồi thứ 2 vẫn chưa ai khám cho mà bác sỹ lại bảo tôi thế.

- Vào viện thì bác sỹ tự cho vào hay bác xin vào?

- Người ta tự cho tôi vào


- Bác về gọi đường dây nóng phản ánh nhé, mỗi bệnh viện đều có đường dây nóng. Cứ yên tâm nhé!


Bộ trưởng đi rồi, bà Nhung vẫn hổn hển (vì chứng giãn phổi, phổi có chấn thương) và kể tiếp với phóng viên: “Bác sỹ sao lại phát biểu bệnh nhân nằm viện là “bà nằm đây bằng thừa à?” Huyết áp tôi cao, chỗ nào cũng có tờ rơi nói bệnh huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”, huyết áp tôi cao đến 170 mấy mà bác sỹ lại bảo tôi không sao rồi cắt thuốc và cho tôi về”.

Cẩm Quyên