Phải thay đổi tư duy sử dụng ngân sách hỗ trợ người dân

Theo ông Nhân, cách làm của Chính phủ Nhật khiến người dân yên tâm, ở nhà không chỉ chăm con mà còn tự cách ly, hạn chế ra đường.

"TP chúng ta nên suy nghĩ, nghiên cứu cách làm của Nhật, họ trả lương thay doanh nghiệp cho công nhân nếu ở nhà chăm con khi trường học đóng cửa. Họ không phải xã hội chủ nghĩa nhưng làm được, chúng ta có làm được không, cần nghiên cứu kỹ để có đối sách”, Bí thư Nhân gợi ý.

Bí thư Nhân cũng chia sẻ, lâu nay hầu như chưa có ai trong chúng suy nghĩ phải rót ngân sách trực tiếp xuống cho người dân khi cần thiết hỗ trợ, ví dụ như trong đợt phòng chống dịch Covid-19 này.

“Chúng ta cần đặt mình vào thế của người lao động, khi nghỉ làm hai tuần, bốn tuần… không lương thì sống thế nào? DN không thể gánh hết được, tôi đặt vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ, nếu không hỗ trợ người dân bằng ngân sách thì có thể từ quỹ xã hội nào đó?”, lời ông Nhân.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cách làm như ông đặt vấn đề nêu trên cũng là biện pháp giúp kiểm soát dịch bệnh.

{keywords}
Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: TTBC

 

Tận dụng 'thời cơ vàng' để ngăn chặn dịch covid-19

Theo người đứng đầu Đảng bộ TP, hai tuần tới là thời cơ để kiểm soát dịch, nếu để lỡ thời cơ thì khó kiểm soát dịch bệnh.

Ông Nhân liệt kê trên thế giới đã có hơn 352.000 người nhiễm, dự kiến đến 31/3 sẽ có khoảng 500.000 người nhiễm, cho thấy tốc độ trên toàn cầu tăng chóng mặt.

"Người chết đang tăng nhanh ở nước ngoài, nhất là tại Mỹ, Ý, Tây Ban Nha… tình hình đang rất căng. Việt Nam đang bước tới giai đoạn vượt qua 100 ca nhiễm Covid-19, vì vậy hai tuần tới cần kiểm soát chặt chặt, không để lây lan tăng mạnh" - Bí thư Nhân nhấn mạnh.

{keywords}
Tập trung đông người tiếp tế lương thực cho người thân cách ly không những gây khó khăn cho công tác chống dịch mà còn có nguy cơ lây nhiễm cao nếu có mầm bệnh. Ảnh: Thanh Tùng

"Thống kê của TP.HCM cứ 1 ca dương tính thì cách ly 280 người. Theo đó, nếu vượt 300 ca dương tính thì 84.000 người cách ly, liệu chúng ta có đủ chỗ cách ly không? Không thể”, ông Nhân cảnh báo.

Bí thư Nhân cũng cho biết, nếu không vượt quá 150 người nhiễm, 42.000 người cách ly tập trung thì vừa với công suất của TP. Chẳng những thế còn đủ sức chữa cho 150 ca này.

Để khống chế được con số nói trên, theo ông Nhân ngoài nỗ lực tự có, cần học hỏi cách khống chế dịch đang có hiệu quả từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Nhân yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP phải thực hiện nhiều biện pháp, cần thiết thì cứng rắn để kiểm soát dịch trong thời gian hai tuần tới.

Cụ thể, tuyên truyền đến người dân hạn chế đi lại, tụ tập, tiếp xúc bên ngoài; đóng tạm thời các tuyến xe buýt như đề xuất của Sở Y tế. Kêu gọi người dân hạn chế đi chợ mỗi ngày, đi một lần mua cho nhiều ngày. Hạn chế hoặc đóng cửa các cửa hàng dịch vụ, ăn uống không cần thiết. Nếu được phép hoạt động thì cần điều kiện gì phù hợp với hiệu quả chống dịch…

Cần có biện pháp mạnh tay với những trường hợp bất hợp tác khi cách ly, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Phạt nặng những ai đầu cơ, bán khẩu trang giá cao hay khẩu trang dỏm.

“TP chúng ta phải sống tiết kiệm hơn, ít đi lại, ít tiếp xúc hơn trong 2 tuần tới… góp phần với cả nước kiềm chế không quá 500 ca nhiễm và TP không quá 150 ca. Mỗi người góp sức mình, làm hết sức mình cùng TP và cả nước ngăn chặn và kiểm soát dịch”, Bí thư Nhân kêu gọi.

Đất nước chính thức bước vào 'thời chiến'

Đất nước chính thức bước vào 'thời chiến'

Cuộc họp Bộ Chính trị cuối tuần trước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”. Thủ tướng khẳng định, “đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất”.

Hồ Văn