Là một địa phương tập trung các khu, cụm công nghiệp với nhiều doanh nghiệp FDI, số lượng lao động lớn, Bình Dương rất quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, trong đó bao gồm việc cho vay giải quyết việc làm thông qua vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh.

Hiện dư nợ cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH Chi nhánh Bình Dương đạt 1.243 tỷ đồng với hơn 31.000 lao động tiếp cận được vốn vay và có công ăn việc làm mới.

{keywords}
Bình Dương là một địa phương tập trung các khu, cụm công nghiệp với nhiều doanh nghiệp FDI

Ngoài 6 phòng giao dịch cấp huyện và 89 điểm giao dịch tại xã, NHSCXH chi nhánh Bình Dương cũng đang duy trì 1.587 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các ấp, khu phố thuộc sự quản lý của các tổ chức hội, đoàn thể. Tất cả các tổ TK&VV này là cánh tay nối dài của NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của ngân hàng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, mở rộng được các cơ sở sản xuất – kinh doanh, phát triển nhiều mô hình có hiệu quả như sản xuất tăm tre, đan lát, trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăm sóc cao su, chăn nuôi gia súc, sản xuất đồ dùng bằng gỗ… Từ đó hàng ngàn công ăn việc làm cho lao động nông thôn được tạo thêm.

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện 09 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 03 tháng cuối năm 2019 lĩnh vực Lao động, Người có công và Xã hội của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm đạt 37.281 người, đạt tỷ lệ 82,85% kế hoạch (chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm là 45.000 lao động).

Bài: Đỗ Thúy Hạnh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Mai Hương - Nhóm PV