- Dự thảo luật Giá sẽ được QH thảo luận lần cuối ngày mai (28/5) trước khi bỏ phiếu vào ngày 20/6. Sau nhiều lần lấy ý kiến trong vòng 2 năm qua, danh mục hàng hóa bình ổn giá trong dự luật đã được liên tục thay đổi, nhưng đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

Cạnh tranh thì không bình ổn giá

“Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” là khái niệm quan trọng được sử dụng làm căn cứ để xác định danh mục bình ổn giá. Theo khoản 3 điều 4 của dự luật, hàng hóa thiết yếu là mặt hàng “tối cần thiết” cho rất nhiều lĩnh vực, từ đời sống, cho đến sản xuất, an ninh và quốc phòng.

Khoan bàn đến “an ninh và quốc phòng” thì khái niệm này cũng đã khiến người ta liên tưởng đến một danh sách dài dằng dặc. Mỗi đối tượng trong xã hội sẽ thấy không thể thiếu một số loại hàng hóa khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Giữa những năm 1980, nước mắm và xà phòng đã từng được coi là hàng hóa thiết yếu thuộc đối tượng của quản lý giá.

Theo điều 15 của dự luật, tiêu chí “thiết yếu” chỉ là điều kiện cần của hàng hóa thuộc diện bình ổn giá. Điều kiện đủ là hàng hóa đó phải là nguyên, nhiên, vật liệu chính cho sản xuất và lưu thông, hay phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người trong đời sống.

Sau nhiều lần thảo luận, đến sát ngày họp QH, cơ quan thẩm tra (UB Tài chính - Ngân sách) và cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) mới chốt được danh mục hàng bình ổn giá, sau khi loại bỏ dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng; sắt; thép; xi măng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, cá tra, cá basa, tôm.

Theo lý giải của cơ quan thẩm tra, sắt, thép, xi măng được loại bỏ vì đã có thị trường cạnh tranh và nguồn cung khá lớn, thậm chí có thể nói là dư cung. Nhà nước cũng không tiếp tục bình ổn thức ăn chăn nuôi vì thị trường này hiện đang phát triển và đa dạng về chủng loại. Việc bình ổn giá đối với thức ăn chăn nuôi cũng có thể khiến một số tổ chức nước ngoài cho là Việt Nam trợ giá đối với hàng xuất khẩu, vi phạm cam kết WTO. Cước tàu ghế ngồi cứng cũng không còn được bình ổn vì thị trường vận tải hành khách hiện đã có sự cạnh tranh.

Như vậy, căn cứ thực tế để hai cơ quan trên rà soát danh mục hàng hóa bình ổn giá là “mức độ cạnh tranh” của thị trường và “mức độ đa dạng” của nguồn cung (hay sự lựa chọn của người tiêu dùng).

Thị trường sữa đang cạnh tranh khốc liệt, Nhà nước không cần tốn kém nguồn lực để bình ổn giá. Ảnh minh họa

Chính sách tốt thay vì can thiệp

Tuy vậy, cũng với hai tiêu chí đó, có thể tiếp tục mạnh dạn loại bỏ tiếp 3 mặt hàng ra khỏi danh mục hàng hóa bình ổn: phân đạm, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và đường ăn. Lý do rất đơn giản và rõ ràng: 3 mặt hàng này không có vai trò sống còn với đời sống và sản xuất, thậm chí nhà nước không khuyến khích sử dụng, và đã có thị trường cạnh tranh tương đối hoàn hảo.

Theo nghiên cứu của Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương), phân bón đã có thị trường cạnh tranh. Nếu có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và không ổn định thì là do vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cũng như sự bất cập trong khâu phân phối.

Sữa cũng không phải là mặt hàng tối cần thiết, trừ trường hợp sữa cho trẻ em 0-6 tháng tuổi có bệnh lý, theo Hiệp hội sữa Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ đều khuyến khích nuôi con 0-6 tháng tuổi bằng sữa mẹ, sữa công thức chỉ là “thực phẩm bổ sung”. 

Thị trường sữa cũng được đánh giá là rất cạnh tranh với sự tham gia của 72 doanh nghiệp và 230 nhà nhập khẩu, chủng loại đa dạng cho mọi nhu cầu và khả năng chi trả.

Thị trường đường ăn cũng có mức độ cạnh tranh là khá cao vì có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất với thành phần đa dạng. Theo ước tính của Hiệp hội mía đường, năm 2012 cả nước dư thừa khoảng 300.000 tấn đường, vậy tại sao phải bình ổn giá?

Nếu cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo áp dụng hai tiêu chí trên một cách nhất quán, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu logic và lúng túng này: Mặt hàng đã có thị trường cạnh tranh vẫn nằm trong danh mục bình ổn giá (phân bón, sữa và đường), trong khi dịch vụ không có thị trường cạnh tranh bị loại ra (cước tàu ghế ngồi cứng). Và mặt hàng đáng lẽ nên ở danh mục định giá thì lại đưa sang danh mục bình ổn giá (điện).

Đừng lạc nhịp với thế giới

Việc phát huy vai trò của luật Cạnh tranh trong can thiệp giá đang là xu hướng chung của các nước trong khu vực. Các láng giềng của Việt Nam đều theo xu hướng giảm tối đa can thiệp của nhà nước, bằng cách chỉ lựa chọn những mặt hàng thực sự có tính chất sống còn đối với người dân và nền kinh tế, kiên quyết không bình ổn giá những mặt hàng đã có thị trường cạnh tranh.

Khái niệm “hàng hóa thiết yếu” - nếu thiếu sẽ gây nguy hiểm hoặc tổn hại nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của đa số dân cư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa số doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định - được diễn giải ở mỗi nước khác nhau tùy điều kiện cụ thể.

Malaysia đưa xăng, dầu, gas, đường, bột mì và dầu ăn vào danh mục hàng hóa thiết yếu và phổ thông, được sử dụng bởi đa số người dân có thu nhập trung bình trở xuống. Trước đây, nước này còn quản lý giá và trợ giá đối với sắt, thép, xi măng, thịt gà, sữa đặc có đường và bánh mì, nhưng đã lần lượt dỡ bỏ từ năm 2008-2010.

Philippines chỉ bình ổn giá hàng hóa có tính chất sống còn đối với sự tồn tại của người tiêu dùng trong các trường hợp thiên tai, tình huống khẩn cấp, vùng bị thiết quân luật, nổi loạn hay chiến sự.

Bên cạnh xác định khái niệm “hàng hóa thiết yếu”, hầu hết các chính phủ này thống nhất rằng hàng hóa trong thị trường độc quyền và dịch vụ công ích là đối tượng cần can thiệp giá. Đối tượng nữa được đưa vào tầm ngắm là các mặt hàng có mức độ cạnh tranh hạn chế, như viễn thông và điện (Singapore); truyền thông, sản xuất và truyền tải điện, lọc dầu, sản xuất gas (Hàn Quốc).

Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội)