- Báo nào muốn "cải" một chút để thu lợi ích trong ngắn hạn, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, họ không biết là đang đánh mất chính mình và phải trả giá trong dài hạn.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông trao đổi với VietNamNet:

Có thể thu hồi giấy phép nếu vi phạm

- Thưa Bộ trưởng, ông có suy nghĩ gì trước sự phát triển của một dòng báo chí được cho là lá cải ở Việt Nam?

Báo chí ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Không cho phép báo lá cải hay nội dung lá cải có chỗ đứng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong suốt những năm qua, báo chí nước nhà đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công chúng; góp phần tạo sự đồng thuận và xây dựng quyết tâm của toàn dân thực hiện đường lối chính sách của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Mặt khác, với chức năng giáo dục, hướng thiện báo chí vừa là một bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện tuyên truyền, quảng bá và thực thi văn hóa. Đồng thời "là diễn đàn của nhân dân", báo chí còn là kênh cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp về các dư luận trong xã hội, về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, về sự đồng thuận cũng như những phản ứng của xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...

Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và dư luận xã hội là một chức năng quan trọng, nhưng phải bảo đảm trung thực, khách quan. Ví dụ như vừa qua một số báo chí đã đưa tin về việc xây dựng khu nhà vườn ở Ninh Giang mà dư luận trong dân cho là không bình thường ở một vùng quê thuần nông, là đúng chức năng của báo chí.

Song điều cần nghiêm túc khắc phục việc một số báo đã bình luận, suy diễn, thổi phồng như: "nhà vườn trăm tỷ", hoặc "khu vườn triệu đô"... Đó là việc làm không đúng, gây hoài nghi trong xã hội. Đặc biệt, có báo lại dùng những ngôn từ mang tính kêu gọi, kích động như: "Hỡi dân chúng... " khi phản ánh về dư luận trên, là hoàn toàn sai trái với tôn chỉ của báo chí cách mạng, cần nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục.

Như vậy, Việt Nam chỉ có báo của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, báo của các tổ chức chính trị, xã hội. Không có báo lá cải. Vừa qua có hiện tượng một số bài báo, ấn phẩm phụ của một số báo có những bài có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích; với cách viết giật tít gây chú ý với những thị hiếu tầm thường, kích động lối sống đồi bại, bạo lực, thông tin, mô tả chi tiết về những vụ giết người, tai nạn thương tâm... tạo không khí sợ hãi, u ám trong đời sống xã hội.

Đó chính là những tiếng nói lạc lõng, làm tầm thường hoá vai trò của báo chí, mà xã hội đã ví những bài báo đó như thứ "báo lá cải" tầm thường.

Trong điều 6 luật Báo chí đã xác định rõ, báo chí phải “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Một số nhà báo không thực hiện đúng tinh thần này, đã tự đánh mất vị trí, vai trò của mình, xa rời tôn chỉ, mục đích, phản ánh lên mặt báo những hiện tượng cá biệt trong xã hội, không đúng với bản sắc truyền thống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Đưa tin không vì mục đích phục vụ cho lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân. Những việc như thế là vi phạm.

Trong Hội nghị báo chí toàn quốc cuối tháng 3 ở Quảng Ninh, bên cạnh đánh giá những đóng góp to lớn của báo chí nước nhà trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; để nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, không cho phép báo lá cải hay nội dung lá cải có chỗ đứng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Hội nghị cũng đã chỉ rõ 13 hạn chế yếu kém, khuyết điểm cần khắc phục của báo chí. Trong đó hạn chế đầu tiên được nêu là một số báo đã đưa những báo thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép...

Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.


Tình trạng báo của ngành này, địa phương này nhưng lại đưa thông tin nhiều về ngành khác, địa phương khác, mà lại chủ yếu là đưa về các vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng, làm cho báo chí thiếu bản sắc, trùng lặp thông tin, thiếu tính định hướng của tờ báo, gây bức xúc trong xã hội. Vi phạm này cần phải được các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí rà soát xử lý và có biện pháp chấn chỉnh một cách kiên quyết. Và trong Báo cáo cũng đã ghi rõ, với những trường hợp này: "Cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra thời gian thích hợp để cơ quan báo chí khắc phục. Nếu không thực hiện nghiêm quy định cần xem xét để thu hồi giấy phép hoạt động".

Không chấp nhận báo lá cải

- Như Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nói với báo chí, ngay cả những tờ báo chính thống, thực hiện nghiêm túc về những chức năng, nhiệm vụ báo chí như quy định thì cũng không tránh khỏi xu hướng mà đôi lúc phải "cải" một ít nhằm thu hút độc giả, qua đó lấy được quảng cáo, tạo nguồn thu. Bộ trưởng nghĩ sao?

Tất cả các báo phải bình đẳng trước pháp luật nói chung và luật Báo chí nói riêng, không có dư địa riêng cho sự đặc quyền, đặc lợi đối với bất kỳ báo nào. Chúng ta không chấp nhận báo lá cải, hoặc nội dung lá cải. Mặc dù sự thật có một số báo vô tình hay hữu ý muốn "cải" một chút như ý kiến trên để thu lợi ích trong ngắn hạn, thì họ không biết là đang đánh mất chính mình và phải trả giá trong dài hạn.

Từ thực tiễn của đời sống báo chí hiện nay, cùng với lời cảnh báo trên của Chủ nhiệm UB văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí phải duy trì chặt chẽ chế độ công tác, bảo đảm mọi hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; phải chăm lo bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của người làm báo; tạo sức đề kháng cho đội ngũ những người làm báo trước những cám dỗ tầm thường.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về báo chí, cùng với việc quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp, khuyến khích, động viên những báo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời phải duy trì chặt chẽ chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát bảo đảm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm của các nhà báo cũng như của cơ quan báo chí.

Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn, kịp thời nghiên cứu, đề xuất, bổ sung hoàn chỉnh thể chế, để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho hoạt động và quản lý báo chí ngày càng hiệu quả, góp phần cho nền Báo chí cách mạng nước nhà không ngừng trưởng thành vững mạnh, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Xuân Linh