"Khi cấp phép tiêm dịch vụ ở các trung tâm, đề nghị các đơn vị phải đặt hàng sớm, cung ứng đủ vắc xin còn nếu không đủ thì không cho đăng ký tiêm, để người dân tập trung vào các điểm tiêm chủng miễn phí cho đủ mũi", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.

Lo dịch sởi quay lại

Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh sáng 5/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quan ngại về nguy cơ dịch sởi có thể quay trở lại Việt Nam.

"Dịch sởi đã quay trở lại Mỹ dù quốc gia này thông báo loại trừ bệnh sởi từ năm 2000. Vấn đề là làm thế nào để đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, nhất là vùng lõm. Hiện nay, trong số 21 ca mắc sởi được các bệnh viện báo cáo, chủ yếu rơi vào trẻ dưới 12 tháng tuổi", Bộ trưởng Y tế lo lắng.

Bộ trưởng Tiến đề nghị phải siết chặt, quyết liệt hơn nữa hoạt động tiêm chủng cho trẻ từ 9-12 tháng, nếu không đến tháng 3-4 sẽ dễ xảy ra dịch như năm ngoái, rất vất vả cho toàn ngành và khổ cho dân. Cần phải đặt vấn đề sức khỏe và tính mạng của các cháu lên trên hết.

{keywords}
Cảnh  người dân xếp hàng chờ tiêm chủng dịch vụ. Ảnh. T.Huyền

"Việc tiêm chủng dồn vào 3 ngày như hiện nay cũng làm nảy sinh bất cập, khiến nhiều trẻ bị chậm tiêm. Nhiều trẻ đúng vào ngày tiêm, bị sốt không tiêm được, tháng sau lại tiêu chảy không tiêm nữa, rồi tháng sau nữa lại sốt không tiêm, thế là suốt 3 tháng không được tiêm, nguy cơ mắc sởi rất cao. Những ca nằm viện năm ngoái hầu hết đều như thế", bà Tiến nêu thực trạng.

Do đó, cần xem lại lịch tiêm chủng, chia đều cho các ngày trong tuần. Tại các nơi khó khăn, vùng núi cần triển khai điểm tiêm di động tại y tế thôn bản, vì đi lại vất vả người dân ngại đi tiêm.

Nói về vấn đề thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ thời gian qua, bà Tiến yêu cầu các địa phương cần phải rà soát lại.

"Khi cấp phép tiêm dịch vụ ở các trung tâm, đề nghị các đơn vị phải đặt hàng sớm, cung ứng đủ vắc xin còn nếu không đủ thì không cho đăng ký tiêm, không mở điểm tiêm dịch vụ để người dân tập trung vào các điểm tiêm chủng miễn phí cho đủ mũi", bà Tiến chỉ đạo.

Tiêm nhầm phá hỏng hình ảnh ngành y

Nhắc lại những sự cố tiêm nhầm vắc xin, tiêm nhầm nước cất thời gian qua, Bộ trưởng Y tế thừa nhận: "Trong lịch sử ngành y chưa bao giờ có hiện tượng tiêm nhầm này, điều này thật đau đớn cho ngành y tế. Chúng ta trân trọng bao nhiêu công ơn của các thế hệ ngành y tế vậy mà một vài điểm như thế phá tan toàn bộ bao nhiêu công sức của biết bao thế hệ. Cả ngành nỗ lực phấn đấu nhưng chỉ vài hình ảnh tiêm nhầm vắc xin, tiêm nhầm nước cất đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành, mất niềm tin trong nhân dân".

Bộ trưởng dẫn chứng, giờ Việt Nam đã loại trừ được uốn ván sơ sinh, thanh toán bại liệt, giúp người dân giảm bao nhiêu bệnh nhưng chỉ vì những lỗi của người tiêm mà người dân sợ không đi tiêm chương trình tiêm chủng mở rộng mà tiêm dịch vụ.

Trong khi tiêm dịch vụ chắc gì đã tốt hơn, chỉ là ít xảy ra tai biến hơn do số lượng tiêm ít hơn so với têm chủng mở rộng (1,7 triệu trẻ/năm).

Để chấm dứt việc tiêm nhầm, Bộ trưởng Y tế yêu cầu: "Dứt khoát không cho người chưa tập huấn vào tiêm dù đó là trạm trưởng, trạm phó, dù cho có phải nghỉ tiêm hôm đó. Vì điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Người ta sẽ không tin vào tiêm chủng".

"Ngành chúng ta phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Các giám đốc sở, giám đốc Trung tâm y tế dự phòng và Giám đốc trung tâm Y tế huyện phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, còn người tại điểm tiêm phải có trách nhiệm với người dân", bà Tiến nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành y tế cũng chỉ ra những bất cập trong việc đóng nhãn mác vắc xin khiến cán bộ tiêm dễ nhầm lẫn.

"Tôi đã nói với các cơ sở sản xuất vắc xin Việt Nam, các ông sản xuất kiểu dáng công nghiệp các lọ vắc xin giống nhau, giống màu như thế sẽ dễ nhầm. Đề nghị phải đổi nhãn, dáng các lọ vắc xin và tập huấn kỹ cho những người tiêm ngồi ban tiêm", Bộ trưởng Y tế yêu cầu.

Thúy Hạnh