- Hiện đã có 53 tỉnh, thành phố thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, trong năm nay Bộ Y tế sẽ mở rộng phạm vi trên toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, việc đấu thầu mua sắm thuốc trước đây giao cho các bệnh viện tự chủ, nhưng sau một thời gian triển khai, hình thức này gây ra tình trạng loạn giá thuốc giữa các bệnh viện.

Khi luật Đấu thầu 2013 ra đời, cho phép mua sắm thuốc ở cấp quốc gia và địa phương, Bộ Y tế đã giao đấu thầu thuốc tập trung cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố, tiến tới đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

{keywords}

Bộ Y tế cho biết đấu thầu tập trung giúp tiết kiệm chi phí, tránh tình trạng loạn giá thuốc giữa các bệnh viện

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung, hướng dẫn mua thuốc tập trung trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc.

Đối với các thuốc ngoài danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, nếu thuộc danh mục thuốc đàm phán giá (chủ yếu các thuốc biệt thuộc, giá trị cao) sẽ do Hội đồng đàm phán giá thực hiện, nếu thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, sẽ do các tỉnh, thành phố tổ chức.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 53 tỉnh, thành áp dụng hình thức đấu thầu thuốc tập trung, trong năm sẽ triển khai mở rộng khắp cả nước, tiến tới đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trước mắt, đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia sẽ lựa chọn những nhóm thuốc có tỉ trọng sử dụng cao, dài ngày, chi phí lớn thuộc nhóm các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính như  ung thư, tiểu đường, tim mạch...

“Đấu thầu thuốc tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia có nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí đấu thầu, đảm bảo giá thuốc trúng thầu không bị chênh lệch giữa các đơn vị và hiệu quả kinh tế của gói thầu cũng lớn hơn do gói thầu lớn và thời hạn hợp đồng dài hơn”, ông Đông nói.

Cũng theo ông Đông, hình thức đấu thầu, mua sắm tập trung ở cấp quốc gia hiện đang được được nhiều nước áp dụng.

Ông Đông cho biết, do đây là những phương thức đấu thầu mới, cần có kinh nghiệm trong quá trình triển khai nên Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để có lộ trình triển khai phù hợp để vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng.

Minh Anh