- Vụ bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân là điều rất xấu đối với ngành - Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn, đại biểu QH Hà Nội Nguyễn Phạm Ý Nhi trao đổi với báo giới bên hành lang QH sáng 23/10.


Bà Ý Nhi cho biết:

Trước tiên phải nói bác sĩ ở bệnh viện công ra mở phòng khám tư là việc luật cho phép. Vấn đề là phải làm đúng theo giấy phép, phải làm việc ngoài giờ. Thứ hai, được cấp phép cho làm những nội dung nào thì phải làm đúng nội dung đó.

{keywords}
Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn, đại biểu QH Hà Nội Nguyễn Phạm Ý Nhi

Nếu kỹ thuật anh triển khai không nằm trong nội dung được cấp phép thì rõ là sai vì khi đã cấp phép cho làm những kỹ thuật gì thì nghĩa là đã phải kiểm tra, xác minh cơ sở có đủ điều kiện để làm những nội dung đó, để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ví dụ cơ sở phải đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị, chứng chỉ tay nghề của bác sĩ, cán bộ y tế.

Dù đã làm đầy đủ những vấn đề đó rồi thì tai biến vẫn có thể xảy ra, ở bất kết đâu, trong bệnh viện công cũng như tư. Khi đó, xử trí của con người là vô cùng quan trọng, trước hết phải xử trí đúng cách, theo đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Trong trường hợp tai biến nặng, phải xử trí tại chỗ, nếu cần phải mời người hỗ trợ về mặt chuyên môn để cấp cứu người bệnh đúng cách. Trường hợp được phép thì phải di chuyển tới những cơ sở có trình độ cao hơn.

Sự việc xảy ra quá khủng khiếp, là điều rất xấu đối với ngành. Bên cạnh việc thực hiện không đúng quy trình chuyên môn còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp vì trong mọi trường hợp, phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân. Thay vì việc đưa ra ngoài, phải đưa người bệnh vào ngay bệnh viện, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm gần bệnh viện Bạch Mai.

Phải đặt tính mạng, quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết . Trường hợp bệnh nhân tử vong rồi phải làm theo đúng quy trình xử lý.

Trên trang web, tờ rơi quảng cáo của thẩm mỹ viện do bác sĩ Tường (người gây ra vụ việc ném xác bệnh nhân - PV) đứng đầu đều giới thiệu là bác sĩ tại khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai, có kinh nghiệm, tay nghề cao. Bà có suy nghĩ gì?

Khi cấp phép cho một phòng khám tư, Sở Y tế bao giờ cũng phải xem xét người đứng đầu ở đấy, danh sách những người tham gia cũng phải đầy đủ.

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi (trái) trong phiên họp tổ sáng 23/10. Bên phải là

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an

Tôi nghĩ nếu người bác sĩ làm trong cơ sở y tế nhà nước đi ra làm thêm ở cơ sở bên ngoài mà có hợp đồng trách nhiệm rõ ràng thì xưng danh như vậy cũng không sai. Chính khi thảo luận về luật Khám chữa bệnh, vấn đề đặt ra có cho phép các bác sĩ ở bệnh viện công ra khám chữa tại cơ sở y tế tư thì cuối cùng hướng ủng hộ cũng nổi lên. Trong lúc nguồn lực cán bộ y tế còn yếu, các bệnh viện công lập quá tải, cần khuyến khích xã hội hóa để đáp ứng yêu cầu của người dân.

Nếu ngoài giờ làm việc bác sĩ làm ở phòng khám ngoài thì vẫn được phép, vấn đề là có đúng người đúng việc hay không. Như vậy, danh mục kỹ thuật được triển khai là yếu tố rất quan trọng để đánh giá. Chúng ta cần tìm hiểu cụ thể Sở Y tế cấp phép cho thẩm mỹ viện này thực hiện những kỹ thuật gì, trong đó có được phép thực hiện kỹ thuật hút mỡ, bơm ngực không…

Kể cả việc được cấp phép, đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thì vẫn có thể có tai biến xảy ra. Khi đó cần xử trí theo quy trình, không bao giờ được phép làm những việc như thẩm mỹ viện Cát Tường này đã làm.

Theo thông tin mới nhất, thẩm mỹ viện của bác sĩ Tường hoạt động “chui” 6 tháng nay, mới chỉ có giấy phép kinh doanh, chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật nào. Ý kiến của bà?


Tôi chưa có thông tin từ Sở Y tế nhưng tôi băn khoăn là với 1 tấm biển tên, quảng cáo lớn như thế treo trước thẩm mỹ viện thì nếu không được cấp phép có dám trưng biển như thế không, sao cơ quan thanh tra, kiểm tra bỏ qua được. Còn có cấp phép hay không thì cũng phải xem xét danh mục kỹ thuật được thực hiện.

Trách nhiệm đặt ra với các cơ quan chủ quản thế nào, có liên đới gì trong vấn đề quản lý cán bộ?

Nói về cơ quan chủ quản của cán bộ là bệnh viện, nếu thực sự người ta làm việc ngoài giờ, được cấp phép thì bệnh viện cũng không có quyền cấm. Ở đây tôi cho vấn đề chính là quản lý nhân sự tại thẩm mỹ viện Cát Tường.

Thứ nhất, phải xem đăng ký ban đầu về danh sách nhân viên, cán bộ y tế hoạt động tại cơ sở, tránh chuyện tên người này nhưng thực tế lại do người khác làm.

Ngay bệnh viện lớn như chúng tôi, danh mục kỹ thuật được thực hiện cũng phải được thẩm định, kiểm tra đầy đủ.

Sau đó đến khâu thanh tra, kiểm tra, có phát hiện được những việc không có trong quy định mà vẫn làm hay không.

Theo tôi, lãnh đạo Bộ Y tế rất cần có lời xin lỗi kịp thời vì chỉ cần 1 cán bộ sai cũng ảnh hưởng tới toàn ngành. Từ lời xin lỗi đó sẽ phải có giải pháp cho công tác quản lý thế nào.

             'Quản bác sĩ làm ngoài rất khó'

Cũng bên hành lang QH, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, PGĐ Sở Y tế TP.HCM cho rằng vụ việc vừa xảy ra ở Hà Nội không thể chấp nhận được, phải bị trừng trị nghiêm khắc.

"Đến bây giờ tôi còn đang bị chấn động, hết sức bàng hoàng. Tôi nghĩ các đồng nghiệp ở bệnh viện Bạch Mai rất sốc. Đến xã hội đen còn bất ngờ, người dân bình thường còn bất ngờ, huống gì người làm trong ngành", bà Lan nói.

Theo bà, vấn đề quản lý bác sỹ khi ra ngoài hoạt động tư rất khó. Từ vụ việc cụ thể này cũng nhìn ra trách nhiệm quản lý ngành y.

"Khi vừa đọc báo vụ việc trên, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là liệu TP.HCM mai sau có nguy cơ như thế không. Với cơ sở thẩm mỹ rất lớn như thế, lực lượng thanh tra lại rất mỏng, nên cũng phải đòi hỏi hành động từ nhiều phía. Ở TP.HCM, tôi khẳng định việc cấp phép cho các thẩm mỹ viện rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường quá rộng lớn, số cơ sở quá nhiều (2.000) thì cũng rất khó quản lý.

A.Thư - T.Lâm ghi - Ảnh: Lê Anh Dũng