Người bị hại có đơn tố cáo là anh Nguyễn Văn Sự (SN 1979, trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). 

Thông tin với VietNamNet, anh Sự cho hay, từ tháng 11 đến tháng 12/2020, anh mua lan đột biến của các chủ vườn, gồm: nhà vườn Bảo Nam (địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội); Đinh Văn Hiếu, Bùi Văn Hậu (nhà vườn lan Hiếu Còi, xã Ngọc Tảo, huyện Hoài Đức); nhà vườn Lê Bích Du (tại An Phước, Long Thành, Đồng Nai); nhà vườn Trần Văn Tuyến, Trần Văn Đạt (ngã ba Trạm, huyện Yên Thủy, Hòa Bình); Nguyễn Văn Thuận (thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tổng số tiền lên tới gần 10 tỷ đồng.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Sự

Theo đơn trình báo, thông qua mạng xã hội, anh Sự có biết facebook có tên Trần Văn Hiếu bán giống hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Bạch tuyết. Hiếu giới thiệu là chủ vườn lan Hiếu Còi (tại cụm 6, Phúc Thịnh, Hoài Đức, Hà Nội). Anh Sự trực tiếp tới xem cây, hỏi nguồn gốc thì được Hiếu cho biết nguồn gốc giò lan này mua từ nhà vườn Bảo Nam, cây đã có hoa. Tin tưởng Hiếu, anh Sự mua 1 kie lan 5CT Bạch Tuyết dài 8,5cm với giá 245 triệu đồng.

Tiếp tục, Hiếu giới thiệu cho anh Sự về 2 kie lan đột biến Hồng Á Hậu dài 10cm bán với giá 500 triệu đồng. Sau đó, Hiếu trực tiếp mang lan xuống nhà anh Sự để bán, quay video làm bằng chứng giao dịch.

Qua Trần Văn Hiếu giới thiệu, anh Sự mua của Trần Văn Tuyến, Trần Văn Đạt (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) 15 kie lan đột biến các loại Bạch Tuyết, Hồng Á Hậu, Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu với tổng số tiền 2,416 tỷ đồng.

{keywords}
Một giò "lan đột biến" anh Sự mua từ tháng 12/2020, ghi tên chủ cây trên chậu để đánh dấu

“Theo thỏa thuận mua bán, anh Tuyến đảm bảo nếu không đúng chủng loại cây cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền gốc và chi phí cho tôi. Nhưng sau khi giao dịch, tôi về kiểm tra lại nguồn gốc thấy không đúng như thỏa thuận, tôi đã liên lạc với anh Tuyến để hoàn trả lại cây, nhận lại tiền nhưng không liên lạc được” – anh Sự cho hay.

Tiếp tục, trong các ngày từ 23 - 30/12/2020, anh Sự mua 26 kie lan đột biến của Lê Bích Du (trú tại huyện Long Thành, Đồng Nai) với tổng số tiền 3,369 tỷ đồng.

Với các nhà vườn khác như nhà vườn lan Bảo Nam, Nguyễn Văn Thuận, Trần Duy Khánh, anh Sự cũng chi số tiền từ vài trăm cho đến vài tỷ đồng để mua lan đột biến. Tổng số tiền anh Sự bỏ tiền ra mua gần 10 tỷ đồng.

Khi phát hiện ra sự việc, anh Sự đã tìm đến các nhà vườn để trả cây, đòi tiền nhưng các đối tượng đều đã cao chạy xa bay, khóa tài khoản facebook, tắt điện thoại liên lạc… Tìm hiểu kỹ anh mới biết, hầu hết các đối tượng đều đi thuê vườn để giao dịch lan, đến khi đã chiếm đoạt được tiền của nạn nhân, các đối tượng đều bỏ trốn, chỉ còn lại “vườn không giàn trống”.

Gửi đơn tố cáo liên tỉnh

Đau đớn vì bị lừa đảo số tiền quá lớn, anh Sự đã làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an các huyện Yên Thủy (Hòa Bình), Hoài Đức (Hà Nội), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Long Thành (Đồng Nai) để trình báo sự việc.

Sau nhiều ngày gửi đơn, ngày 4/5, anh Sự được Công an tỉnh Đồng Nai mời đến trụ sở làm việc.

{keywords}
Các đối tượng lừa đảo thường đi thuê địa điểm, dựng giàn lan để giao dịch. Sau khi lừa đảo xong, chúng cao chạy xa bay 

“Công an tỉnh Đồng Nai mời tôi tới và hướng dẫn bổ sung các bằng chứng tố cáo như cung cấp các video ghi lại quá trình giao dịch, hình ảnh, biên nhận tiền giao dịch…

Đêm qua, tôi đã gấp rút về Vĩnh Tường để bổ sung các bằng chứng theo yêu cầu”, anh Sự cho hay.

Nạn nhân bị lừa đảo số tiền lớn này đau đớn chia sẻ: “Khi bắt đầu mua, cứ người này giới thiệu người kia để tôi gọi điện nhờ họ xác nhận là kie lan đột biến này chính xác được xuất ra từ nhà vườn đó. Hiện có cây mẹ đang ra hoa làm bằng chứng. Nhưng sau đó, tìm hiểu tôi mới "ngã ngửa", tất cả những người trên đều là một nhóm. Họ đã họp bàn, thống nhất với nhau từ trước, mình trở thành quả bóng bị đá hết chỗ này sang chỗ khác”.

{keywords}
Nhiều nạn nhân của lan đột biến phải nhờ “anh em xã hội” giải cứu

Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh (Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy -  Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) cho biết: Thời gian gần đây, Công an huyện liên tiếp nhận được nhiều đơn trình báo lừa đảo bán giống lan đột biến.

Qua xác minh, cơ quan công an phát hiện các đối tượng sử dụng cùng thủ đoạn là thuê đất dựng nhà trồng lan, sau đó sử dụng mạng xã hội liên tục phát tin quảng bá, lôi kéo người đến mua bán giao dịch lan với giá cao.

Sau khi nhận tiền, các đối tượng này bỏ vườn, đi khỏi địa phương, khiến công tác điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Lê Quyết Thắng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Hoài Đức) cho biết, đơn vị này đang tiếp nhận 6 đơn tố giác lừa đảo trong các giao dịch mua bán lan đột biến. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt trên 6,3 tỉ đồng.

Qua xác minh, toàn bộ vườn lan nạn nhân đến giao dịch chỉ là nhà đi thuê. Những người tham gia trong các giao dịch đều không có sự quen biết, người mua chưa nắm được chắc chắn người bán cho mình nhân thân lai lịch, mức độ uy tín như thế nào mà chỉ là quen biết qua Facebook nên không hề biết tên thật, địa chỉ thật của người bị tố giác.

Anh Sự cho biết, hiện tại anh chỉ biết chờ đợi. Anh cũng chủ động lên mạng xã hội viết bài cảnh báo, chỉ tên các đối tượng đã lừa đảo mình, đồng thời gửi lời xin lỗi tới những người mua lại các giò lan đột biến của anh mà chính anh đang là nạn nhân.

“Tôi cũng đã đến chuộc lại những giò lan đã bán từ một số người mua của tôi. Đến giờ tôi đã kiệt quệ, không đủ sức nữa rồi” – anh Sự đau xót.

Nhiều nạn nhân của lan đột biến phải nhờ “anh em xã hội ” giải cứu

Nhiều nạn nhân của lan đột biến phải nhờ “anh em xã hội ” giải cứu

Vì sao lan var tiền tỷ chỉ giao dịch khi mới nhú vài cm? Nguồn tiền ngàn tỷ đổ vào lan lấy từ đâu? Hàng loạt giao dịch bị “vỡ trận” sau một thời gian ngắn đang báo hiệu “bong bóng lan var” sắp vỡ?

Thái Bình