- Hình thức nhận mãi lộ rất tinh vi, giao dịch tiền thực hiện bằng việc chuyển khoản qua ngân hàng. Điều này thể hiện rõ trong các hóa đơn, phiếu chi tiền mà doanh nghiệp vận tải “thật thà” ghi…“Thanh toán tiền luật trên đường”.

“Thanh toán tiền luật trên đường”!

Liên quan đến vụ án tiêu cực tại Thanh tra giao thông (TTGT, Sở GTVT Đắk Nông), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam đối với ông Lê Đình Trọng (Phó Chánh thanh tra) để điều tra về tội nhận hối lộ.

PV VietNamNet đã làm việc với cơ quan điều tra, tiếp cận được những tài liệu liên quan đến vụ án, biết được những “chiêu” làm luật, nhận mãi lộ của lực lượng thanh tra (TT) Sở GTVT.

{keywords}
 
Phiếu chuyển tiền của một doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ông Lê Đình Trọng ghi rõ "Thanh toán tiền luật trên đường" với số tiền 15 triệu đồng.

Làm việc với PV VietNamNet, đại tá Lương Ngọc Lếp – Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông tiết lộ, trong suốt quá trình thực hiện chuyên án điều tra mãi lộ, các điều tra viên đã liên tục theo dõi, nắm được rất nhiều cách thức “làm luật” và nhận mãi lộ giữa chủ xe với lực lượng TTGT.

Cụ thể, theo đại tá Lếp, để “bảo kê” cho xe quá tải qua trạm cân lưu động, TTGT sẽ ra hiệu lệnh cho dừng một xe tải chắn trước camera để che khuất tầm quan sát.

Các xe được “bảo kê” cứ thế mặc sức qua trạm mà không lọt vào camera Trạm cân điện tử, điều này khiến Bộ GTVT dù có lắp thiết bị giám sát cũng không thể nào biết được tiêu cực. Các xe qua trạm kiểu này, thường “làm luật” theo hình thức chung chi theo tháng.

“Với cách thức dừng xe tải che chắn camera của trạm cân, nếu TTGT không hướng dẫn thì cánh tài xế không thể nào biết được, bởi việc dừng đỗ xe ở đâu, đều do TTGT yêu cầu, tài xế không dám tùy tiện dừng, đỗ trước trạm cân” – đại tá Lếp khẳng định.

Cũng theo đại tá Lếp, qua theo dõi, nhiều xe quá tải khi “lọt” qua trạm cân, xe TTGT thường rượt theo yêu cầu dừng lại để kiểm tra, sau đó vẫn cho đi mà không lập biên bản xử phạt.

Một “chiêu” khác, cánh tài xế xe quá tải thông qua “cò” để làm luật với TTGT. Việc làm luật qua “cò”, theo đại tá Lếp vẫn đang trong quá trình điều tra, công an đã nắm bắt được một số đối tượng và đã làm việc để xác minh, làm rõ. 

{keywords}
Tỉnh lộ 4 tan nát vì xe quá tải
{keywords}
Xe quá tải cày nát tỉnh lộ 4, nơi có trạm cân lưu động án ngữ

Trong quá trình thực hiện chuyên án, Cơ quan CSĐT đã phát hiện số tiền “làm luật” giữa người vi phạm với lực lượng TTGT điều hành trạm cân được chuyển qua tài khoản ngân hàng.

Điều bất ngờ, trong các hóa đơn, phiếu chi ngân hàng mà doanh nghiệp vận tải chuyển vào tài khoản các TTGT vi phạm ghi rõ ràng “Thanh toán tiền luật trên đường!”.

Theo đại tá Lếp, sở dĩ các doanh nghiệp ghi như vậy là vì họ còn phải lấy hóa đơn, phiếu chi để tất toán, hợp thức hóa khoản thu chi để báo cáo lên lãnh đạo.

Tại Cơ quan CSĐT, PV VietNamNet đã được xem hàng chục hóa đơn, phiếu chi chuyển tiền vào tài khoản ghi đích danh các cán bộ TTGT với nội dung chuyển tiền “Thanh toán tiền luật trên đường!”.

Trong số này, phiếu chuyển tiền thấp thì 5 triệu đồng/lần chuyển; có những phiếu lên đến 15 triệu đồng/lần chuyển.

Tiền lệ nhận hối lộ của lực lượng TTGT

Liên quan đến vụ tiêu cực tại TTGT mà công an tỉnh vừa khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Lê Đình Trọng (Phó Chánh thanh tra), bước đầu công an xác định ông này đã nhận 21,5 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng.

Ngoài ông Trọng, còn có hai nghi can khác là ông Nguyễn Tấn Mẫn (Đội phó Đội Thanh tra giao thông, đã tử vong) nhận 20 triệu đồng và ông Nguyễn Quang Khải (Đội phó) nhận 23 triệu đồng.

{keywords}
Trạm cân lưu động kiểm tra tải trọng xe quá tải trên quốc lộ 14, tỉnh Đắk Nông

Theo đại tá Lương Ngọc Lếp, với các chứng cứ, số tiền nhận hối lộ mà công an điều tra thu thập được trên hóa đơn chứng từ chỉ là số nhỏ.

Ông Lếp đưa ra một dẫn chứng, chỉ tính riêng trên quốc lộ 14 (đoạn qua tỉnh Đắk Nông) trung bình một ngày có khoảng 3.500 lượt xe lưu thông, trong đó có khoảng 500 lượt xe có dấu hiệu vi phạm quá tải. Với lượng xe khủng khiếp như vậy, khoản tiền mà tài xế “lót tay” cho TTGT sẽ không biết bao nhiêu mà kể !.

Một thông tin khác, ngoài 3 cán bộ TTGT là ông Trọng, Mẫn, Khải bị phát hiện hành vi nhận hối lộ mới bị phát hiện, trước đó, đã có một số cán bộ nhân viên khác của TTGT cũng bị bắt quả tang nhận hối lộ và bị xử lý.

Để tìm hiểu rõ sai phạm có tính “tiền lệ” đối với lực lượng TTGT, PV VietNamNet đã liên hệ làm việc với ông Lê Xuân Nhị (Phó Chánh thanh tra) và ông Nguyễn Văn Viện (Giám đốc Sở GTVT), tuy nhiên các ông này đều trả lời không biết hoặc từ chối làm việc.

Qua tiếp cận hồ sơ, tài liệu tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, vào tháng 7/2014, tại trạm cân số 56 trên tỉnh lộ 4 (đặt tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long), cơ quan điều tra đã bắt quả tang 3 ông là Nguyễn Thành An, Hoàng Trung Huấn, Lê Thế Hoàng (Đội viên Đội TTGT) nhận hối lộ của các tài xế xe tải chở cát.

{keywords}
Đại tá Lương Ngọc Lếp tiết lộ những chiêu thức nhận hối lộ của TTGT

Cụ thể, ông An nhận 350 nghìn, Huấn nhận 200 nghìn và Hoàng nhận 300 nghìn. Khi bị bắt quả tang, các ông này đã thành khẩn nhận tội và khai nhận tiền để chi…ăn uống tại trạm.

Do số tiền chưa đủ để khởi tố, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã có thông báo vi phạm gửi Sở GTVT, yều cầu xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm, chấn chỉnh lại lực lượng TTGT. Tuy nhiên, 3 TTGT vi phạm sau đó chỉ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Có lẽ, hình thức kỷ luật chưa nghiêm này của Sở GTVT Đắk Nông đã không tạo được tính răn đe, để rồi chỉ vài tháng sau, tiếp tục có 3 cán bộ TTGT nữa tiếp tục có hành vi nhận hối lộ. Trong đó, ít nhất một Phó chánh TTGT là ông Lê Đình Trọng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.

Trùng Dương