- Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng cần trở lại tinh thần của Hiến pháp tinh khôi năm 1946, viết sao cho “ngắn lời dài ý", sức sống của bản Hiến pháp sẽ dài.

>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp

"Ngắn câu dài ý"

Trong tham luận về sửa Hiến pháp gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Vũ Mão đã nêu những so sánh giữa dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với Hiến pháp năm 1946.

Ông đặt vấn đề cần thiết nghiên cứu sâu sắc Hiến pháp năm 1946, bởi đây là bản “ngắn câu nhưng dài ý” do Bác Hồ nghiên cứu "Đông, Tây, kim, cổ" để xây dựng nên, hội tụ tầm nhìn tư tưởng và tri thức.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp tinh khôi" - ông khẳng định. Đề cập Hiến pháp năm 1959, ông nói bản Hiến pháp thời kỳ này có những thay đổi, trong đó "chịu sự ảnh hưởng của trào lưu xã hội chủ nghĩa kiểu cũ thời ấy". 

Cả Hiến pháp 1946 và 1959, theo ông, ở mức độ khác nhau đều thể hiện quan điểm đa sở hữu về đất đai. Các vấn đề về hệ thống nhà nước, bộ máy nhà nước, trưng cầu ý dân và các vấn đề khác được thể hiện rõ nhất trong Hiến pháp năm 1946. Nội dung thấu tình đạt lý, văn phong gọn gàng, tư duy mạnh lạc, đặc biệt tôn trọng vấn đề phúc quyết của người dân, trưng cầu ý kiến nhân dân, nhưng do chiến tranh chưa thực hiện được. 

"Theo tôi, khi Tổ quốc thống nhất, ta cần thể hiện rõ tinh thần đó vì dân trí nước ta cũng cao hơn rồi. Tôi đề nghị trở lại nghiên cứu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong Hiến pháp đó. Ngay lần này cần trưng cầu ý dân về Hiến pháp và một số vấn đề quan trọng sau khi Quốc hội xem xét coi như thông qua lần thứ nhất. Trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng nhất và toàn bộ bản Hiến pháp, sau đó Quốc hội thông qua lần thứ hai. Nếu làm được như thế sẽ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Tôi tin rằng, nhân dân sẽ đóng góp những ý kiến sâu sắc với động cơ trong sáng, tinh thần xây dựng, đoàn kết, đồng tâm nhất trí một lòng".

Cần luật về sự lãnh đạo của Đảng

Đề cập điều 4 về sự lãnh đạo của Đảng, ông Vũ Mão nêu quan điểm: giữ điều 4 và có những bổ sung cần thiết.

Nhưng những bổ sung như dự thảo sửa đổi Hiến pháp ông cho là chưa đủ. 

Hiến pháp hiện đã quy định: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Theo ông Vũ Mão, câu này đã bao hàm cả nghĩa Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 

"Tôi đồng tình với việc nói rõ nội dung này nhưng không nên đưa thành khoản 2 độc lập. Hơn nữa, điều quan trọng hơn là cơ chế nào để đảm bảo cho việc giám sát của nhân dân và cơ chế nào để đảm bảo cho việc Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nếu không thiết kế đầy đủ vấn đề này thì nó sẽ “tuột” đi". 

Theo đó, ông kiến nghị cần thiết bổ sung vào khoản 2 điều 4 như sau:

"Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, do luật định”.

Theo ông, việc Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình cần được luật hóa. Luật này quy định rõ nội dung, cách thức Đảng lãnh đạo và chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước nhân dân. 

"Khi tôi nêu ý kiến này, cũng có người không đồng ý vì cho rằng sẽ ràng buộc Đảng hoặc hạ thấp uy tín của Đảng. Nhưng theo tôi, cần có luật này vì nội dung mới trong điều 4 là một trong những chốt quan trọng nhất của Hiến pháp sửa đổi và thể hiện tư duy đổi mới của chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, Đảng phải thực sự là của dân, vì cuộc sống của dân, là đầy tớ của dân chứ không phải là loại người như nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèo cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Ông đề cập rộng hơn, việc nhận định trong nghị quyết 4 nói lên, tình hình hiện nay rất nguy hiểm, một bộ phận không nhỏ này là vô đạo đức, họ đứng trên dân, tham nhũng và vơ vét của dân. Đó là điều không thể chấp nhận được. Trong khi đó, ta lại chưa có một chế tài cụ thể nào về sự lãnh đạo của Đảng, về cơ chế giám sát của nhân dân và sự chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì thế rất cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng.

Tá Lâm (ghi)

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết về Hiến pháp tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/sua-hien-phap/

Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin gửi về banchinhtri@vietnamnet.vn